Chuyên trang cập nhập những thông tin mới nhất về sức khỏe

  • BKSK»
  • Sức khỏe A-Z »
  • Thời tiết miền Bắc đang trong những ngày rét đậm rét hại, cần lưu ý những bệnh này

Thời tiết miền Bắc đang trong những ngày rét đậm rét hại, cần lưu ý những bệnh này

12:00 AM | 16/12/2020

Thời tiết khắc nghiệt khiến nhiều người phải nhập viện, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Vì vậy, cần chú ý các tình huống để chủ động phòng bệnh và xử trí những nguy hiểm do thời tiết gây ra.

Những ngày này thời tiết miền Bắc đang trong những ngày giá rét. Mặc dù ban ngày có lúc hửng nắng nhưng sáng sớm và đêm vẫn trong tình trạng rét đậm rét hại. Chưa kết đầu tháng 1 tới, dự báo toàn miền Bắc còn đón thêm đợt gió mùa đông bắc gây rét đậm rét hại trên diện rộng.

Theo nhận định từ cơ quan khí tượng, từ nay đến 20/1, nước ta đón khoảng 4-6 đợt không khí lạnh, gồm cả các đợt không khí lạnh tăng cường. Vì vậy, khoảng 20 ngày đầu tháng 1/2021 nền nhiệt độ ở các tỉnh phía Bắc có xu hướng giảm thấp và khả năng xảy ra nhiều ngày rét đậm rét hại hơn so với trung bình nhiều năm, có khả năng xuất hiện băng giá, mưa tuyết tại vùng núi cao. Nhiệt độ trung bình trong thời kỳ này ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ dự báo thấp hơn trung bình nhiều năm 0,5 độ.

Do tác động của La Nina, mùa đông năm nay đến sớm và dự báo lạnh hơn so với trung bình nhiều năm. Dự báo từ nay đến tháng 2/2021, miền Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ đón nhiều đợt rét đậm rét hại diện rộng kéo dài từ 7-10 ngày, nguy cơ cao xuất hiện băng giá và mưa tuyết.

Thoi tiet mien Bac dang trong nhung ngay ret dam ret hai, can luu y nhung benh nay

Rét đậm rét hại dễ khiến nhiều người mắc bệnh, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.

Thời tiết khắc nghiệt khiến nhiều người phải nhập viện, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Vì vậy, cần chú ý các tình huống để chủ động phòng bệnh và xử trí những nguy hiểm do thời tiết gây ra.

1. Các bệnh về hô hấp

Những ngày rét đậm rét hại, nhiều người đăc biệt là trẻ nhỏ thường mắc các chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, viêm họng... Nếu điều trị kịp thời thì các triệu chứng về hô hấp sẽ thuyên giảm đáng kể, tuy nhiên, tình hình thời tiết lạnh giá cũng khiến các bệnh về hô hấp lâu khỏi hơn.

Để gữ sức khỏe và tránh các bệnh này, ngành y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp giữ ấm và phòng bệnh như che chắn cửa, chăn đệm đủ ấm. Với trẻ nhỏ, cha mẹ cần chú ý mặc quần áo ấm, giữ vệ sinh cho trẻ và có chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Với người cao tuổi, ngoài việc giữ ấm cơ thể, cần quan tâm chế độ ăn đủ dinh dưỡng, ăn đồ dễ tiêu và luôn phải ăn, uống đồ ấm. Ăn uống đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp người cao tuổi tăng thêm sức đề kháng của cơ thể để chống đỡ với bệnh tật. Nếu thấy có dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần đến cơ sở y tế khám ngay để kịp thời điều trị

2. Cảm cúm và cảm lạnh

Thời tiết lạnh với độ ẩm cao, nhiệt độ xuống thấp như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho vi trùng, virus, nấm mốc, ký sinh trùng... phát triển. Cộng thêm sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm, đây là lúc cơ thể dễ mắc lạnh, đặc biệt là cảm cúm và cảm lạnh.

Thoi tiet mien Bac dang trong nhung ngay ret dam ret hai, can luu y nhung benh nay

Thời tiết giá lạnh, cần giữ cho cơ thể đủ ấm nhất là khi đi ra ngoài.

Biểu hiện của cảm cúm là mệt mỏi, đau người, sốt, nhức đầu, lừ đừ, đau rát họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi. Khi bị cảm cúm, chúng ta cần đeo khẩu trang để tránh lây cho người khác, không tự ‎dùng kháng sinh bừa bãi khi không có chỉ định của bác sĩ, điều trị triệu chứng hạ sốt, giảm đau, rửa mũi và tăng cường dinh dưỡng. Thông thường bệnh sẽ tự khỏi trong 1 đến 2 tuần.

Cảm lạnh biểu hiện thường gặp là da nhợt, ớn lạnh hoặc rét run, cổ họng đau, hắt hơi, đau đầu, chảy nước mũi, chảy nước mắt, buồn nôn, nôn, có trường hợp đau quặn bụng và đi ngoài phân lỏng nhiều lần. Xử trí khi có người cảm lạnh là lập tức làm ấm bệnh nhân bằng cách đưa vào phòng ấm, đắp chăn, sưởi ấm, cho uống nước gừng ấm khi thấy môi hồng, người ấm lên là được.

3. Tê cóng

Đây là tình trạng những người lao động chân tay trong thời tiết lạnh giá thường dễ mắc. Tê cóng xảy ra khi da và các mô dưới da "đóng băng", tình trạng nghiêm trọng có thể dẫn tới phồng rộp da hoặc da chuyển đen do hoại tử các mô bên trong.

Để xử lý, đầu tiên cần cách ly ngay giá lạnh, làm nóng vùng da này dần dần, thường dùng cách sưởi ấm hoặc áp quần áo, chăn ấm vào chỗ bị lạnh, tránh phần cơ thể cóng bị nhiễm lạnh thêm. Tốt nhất là ngâm vùng tê cóng vào nước ấm 10-15 phút, chú ý tuyệt đối không hơ lửa, không chà xáy mạnh. Trường hợp bị tê cóng nặng, da tái nhợt, cứng và lạnh thì cần đưa đến cơ sở y tế sau khi sơ cứu.

4. Hạ thân nhiệt

Hạ thân nhiệt là khi nhiệt độ cơ thể giảm xuống còn 35 độ C, xuất hiện các dấu hiệu như run lẩy bẩy, nói lắp, nhịp thở chậm bất thường, da lạnh, mệt mỏi, bơ phờ...

Người bị hạ thân nhiệt thường bị mất dần ý thức và năng lực thể chất, do đó có thể không ý thức được sự cần thiết phải điều trị cấp cứu. Nguy hiểm của hạ thân nhiệt là nạn nhân không biết, chỉ tới khi mệt mỏi, đầu óc lơ mơ, rùng mình thành đợt, da tái xanh, đồng tử giãn và mất tỉnh táo là đã mất ý thức.

Vì vậy khi trời lạnh thấy ai đó run lẩy bẩy, nói lắp bắp, da lạnh, xám,... nên giúp họ quấn chăn và đốt lửa sưởi cho tới khi cơ thể ấm lại.

Không nên chườm nóng trực tiếp, không dùng nước nóng, đệm sưởi hoặc đèn sưởi để làm ấm mà hãy đặt gạc ấm lên cổ, lồng ngực và vùng háng của bệnh nhân. Tuyệt đối không cố làm ấm chân tay, không xoa bóp, chà xát.

5. Tăng nguy cơ đột quỵ

Đột quỵ là tình trạng suy giảm chức năng của não một cách đột ngột, vùng não bị ảnh hưởng không được cung cấp đủ lượng máu cần thiết dẫn đến bị tổn thương. Thời tiết lạnh giá khiến mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp nên lưu lượng máu đến não giảm. Nhiều người thường bị đột quỵ vào lúc sáng sớm khi dậy đi vệ sinh gặp gió lạnh và người nhà nhầm tưởng là bị mệt nên không cấp cứu kịp thời.

Các chuyên gia cảnh báo, thời gian từ lúc đột quỵ xuất hiện đến khi bắt đầu điều trị là cực kỳ quan trọng. Đây được gọi là “thời gian vàng” quyết định đến sự sống chết của người bệnh cũng như hạn chế tối đa tổn thương não. Người bị đột quỵ nhẹ có thể để lại các di chứng như chân tay run rẩy, đi lại khó khăn; nặng thì nằm liệt hoặc tử vong.

Khi phát hiện người đột quỵ cần sơ cứu bằng cách để bệnh nhân nằm yên, nới rộng quần áo, theo dõi sắc mặt, nhịp thở. Nếu bệnh nhân nôn, cần để đầu nghiêng sang một bên, dùng tay lấy các chất nôn từ mũi và miệng bệnh nhân. Nếu bệnh nhân co giật, cần để bệnh nhân nằm nghiêng đề phòng bệnh nhân cắn vào lưỡi. Nếu thấy người bệnh có những cơn đau đầu dồn dập, buồn nôn thì nên đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Ánh Dương

Theo Người đưa tin

Đầu trang
ke toan viet nam