Đối phó với chứng sốc nhiệt mùa nắng nóng như thế nào?
9:29 AM | 24/04/2019
Với nhiệt độ vượt ngưỡng 40 độ như những ngày gần đây, việc tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian dài có thể dẫn đến sốc nhiệt.Sốc nhiệt nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách có thể dẫn đến trường hợp xấu nhất là tử vong.
- Nắng nóng, coi chừng đột quỵ
- Đã tìm ra 5 bước cơ bản để ngăn ngừa đột quỵ
- Cứu sống người lên cơn đột quỵ, tai biến trong vòng 60 giây
- Xây xẩm chóng mặt, tê yếu tay chân - Dấu hiệu dẫn đến tai biến đột quỵ không thể bỏ qua
- "Thủ phạm" gây ra 80% ca đột quỵ ai cũng phải biết mà phòng tránh
1. Tại sao chúng ta bị sốc nhiệt?
Theo Ths. BS. Lương Quốc Chính (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai), sốc nhiệt là hậu quả của việc tiếp xúc với nhiệt độ cao kéo dài, đổ nhiều mồ hôi nhưng không uống đủ nước, dẫn đến mất nước và chất điện giải sẽ làm tổn thương hệ thống kiểm soát thân nhiệt. Sốc nhiệt có thể gây các tổn hại cho não và các cơ quan nội tạng khác của cơ thể. Người già, trẻ em, những người béo phì và rối loạn bài xuất mồ hôi sẽ có nguy cơ cao bị sốc nhiệt.
Đồng thời, những người sống ở các thành phố lớn cũng rất dễ bị sốc nhiệt do nắng nóng kéo dài cộng với việc thiếu gió, không khí ô nhiễm, hơi nóng tỏa ra từ các nhà cao tầng, nhựa đường bị đốt cháy do lưu lượng giao thông lớn… Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như sử dụng rượu bia, bệnh tim mạch và sử dụng một số loại thuốc.
Đổ mồ hôi nhiều dẫn đến mất nước là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta bị sốc nhiệt. |
Các triệu chứng đặc trưng của sốc nhiệt gồm có: nhiệt độ cơ thể lớn hơn 40,5 độ C, ngất xỉu, đau đầu, chóng mặt, da đỏ, nóng và khô, chuột rút, buồn nôn và nôn, nhịp tim nhanh, mất phương hướng, nặng có thể co giật, hôn mê...
2. Các bước sơ cứu người bị sốc nhiệt
Khi gặp một người bị sốc nhiệt, bạn hãy nhanh chóng gọi cấp cứu ngay lập tức hoặc đưa bệnh nhân tới bệnh viện gần nhất, vì nếu chậm trễ có thể khiến bệnh nhân tử vong.
Trong lúc đợi nhân viên y tế đến, cần sơ cứu cho bệnh nhân bằng cách:
- Đưa bệnh nhân tới nơi có điều hòa, hoặc ít nhất là khu vực râm mát.Đặt nạn nhân nằm đầu thấp để máu lên não được lưu thông dễ dàng. Cần nới lỏng quần áo, cởi bớt quần áo không cần thiết, chỉ mặc quần áo mỏng.
- Vừa đo nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân vừa làm mát để hạ nhiệt độ cơ thể xuống 38 độ C bằng các phương pháp như: áp túi nước đá vào nách, bẹn, cổ và lưng bệnh nhân. Nếu có thể hãy dùng quạt phun hơi nước, phun sương hoặc dùng bình phun nước xịt liên tục lên da để hơi nước hạ thân nhiệt nạn nhân. Đối với những người bị chuột rút cần làm sơ cứu bằng cách xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ bị co cứng giúp máu được lưu thông dễ dàng hơn.
Bằng mọi cách hãy hạ nhiệt độ cơ thể nạn nhân để khắc phục tình trạng sốc nhiệt. |
- Nếu nạn nhân còn tỉnh táo và có thể uống, hãy cho uống nước mát hoặc nước lạnh.
- Theo dõi thân nhiệt của nạn nhân thường xuyên, liên tục làm mát cho đến khi nhiệt độ giảm xuống còn khoảng 38,3-38,8 độ C.
- Nếu người bệnh mất ý thức và không thấy có dấu hiệu tự thở, và cử động hãy tiến hành hồi sinh tim phổi (CPR).
3. Làm gì để phòng ngừa chứng sốc nhiệt?
Cách phòng ngừa chứng sốc nhiệt tốt nhất là tránh để cơ thể mất nước và không hoạt động mạnh trong những ngày trên 40oC đặc biệt là trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 15 giờ chiều, vì đây là thời gian nắng hoạt động mạnh nhất và gây nguy hiểm nhất với con người. Không cho trẻ em hay người già, đặc biệt người mắc các bệnh mạn tính (tim mạch, huyết áp, bệnh phổi…) ra nắng lúc nhiệt độ ngoài trời tăng cao.
Nếu bắt buộc phải đi lại ngoài trời nắng thì cứ cách 2 giờ hãy tìm nơi thoáng mát để nghỉ và nên có khăn ướt choàng sau gáy (nơi tập trung nhiều đầu mối dây thần kinh để vừa có tác dụng chống nắng chiếu vào gáy, giải nóng, tránh sốc nhiệt). Đồng thời, cần uống nước liên tục (bao gồm nước lọc và các thức uống thể thao bù muối và chất khoáng), tránh uống các thức uống có cồn, cafein và đường vì có thể gây mất nước.
Vào những ngày nắng nóng nên mặc quần áo mỏng nhẹ, sáng màu, đội mũ rộng vành; sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng trên 30; uống nhiều nước; hạn chế tối đa các hoạt động ngoài trời.
Tiểu Bùi
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học
Nhiều vấn đề về sức khỏe nảy sinh từ cuộc sống thường ngày. Tìm hiểu ngay để tìm hiểu rõ nguyên nhân và cách phòng bệnh
Tìm hiểu ngay