Chuyên trang cập nhập những thông tin mới nhất về sức khỏe

  • BKSK»
  • Sức khỏe A-Z »
  • Bệnh nhân 251 nhiễm Covid-19 tử vong do xơ gan, vậy căn bệnh này nguy hiểm thế nào?

Bệnh nhân 251 nhiễm Covid-19 tử vong do xơ gan, vậy căn bệnh này nguy hiểm thế nào?

12:00 AM | 03/05/2020

Tối 4/5, Bộ Y tế xác nhận bệnh nhân mắc Covid-19 ở Hà Nam (BN 251) tử vong do xơ gan giai đoạn cuối. Vậy xơ gan giai đoạn cuối nguy hiểm như thế nào?

Bệnh nhân 251 tử vong do xơ gan, không phải do Covid-19

Bệnh nhân 251 này là N.V.Đ (64 tuổi, nam, trú tại xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, tình Hà Nam) tử vong do xơ gan giai đoạn cuối sau khi đã được điều trị khỏi bệnh Covid-19. Bệnh nhân này vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam từ ngày 20/3. Sáng 5/4, bệnh nhân bị sốt. Ngày 6/4, bệnh nhân được chụp X-quang và phát hiện phổi có tổn thương.

Benh nhan 251 nhiem Covid-19 tu vong do xo gan, vay can benh nay nguy hiem the nao?
Nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã được điều trị khỏi bệnh.

Sau khi có kết quả phổi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam đã lấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân để xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (gây dịch bệnh Covid-19). Ngày 7/4, xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân là ca bệnh có nhiều nguy cơ do tuổi cao, nhiều bệnh nền như xơ gan giai đoạn cuối, suy kiệt, bệnh gút nặng, cứng khớp, teo cơ và không tìm được nguồn lây cho bệnh nhân.

Sau một thời gian điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Nam, bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh, Hà Nội, điều trị tại đây đã ổn định, đã được xác định âm tính 4 lần với SARS-CoV-2 vào các ngày 10, 12, 15 và 17/4. Bệnh nhân được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương xác định khỏi bệnh, không còn bị nhiễm COVID-19, tình trạng các bệnh lý khác ổn định, chuyển tuyến dưới để điều trị bệnh xơ gan từ ngày 17/4. Tuy nhiên, bệnh nhân đã tử vong rạng sáng 2/5 do xơ gan giai đoạn cuối.

Khi bệnh nhân tử vong, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam đã tiến hành làm xét nghiệm SARS-CoV-2 cho kết quả âm tính, bệnh nhân không có bất cứ triệu chứng nào của tổn thương phổi do COVID-19 gây ra.

Xơ gan giai đoạn cuối nguy hiểm như thế nào?

Xơ gan là hiện tượng gan bị xơ hoá do các tế bào hình sao sản sinh quá nhiều mô sợi, mà nguyên nhân sâu xa chính là do sự tác động của các tác nhân độc hại.

Xơ gan làm cho các tế bào gan và nhu mô gan không thực hiện được chức năng của mình, làm suy giảm chức năng gan trong việc giải độc, chuyển hóa, điều hoà, miễn dịch.

Benh nhan 251 nhiem Covid-19 tu vong do xo gan, vay can benh nay nguy hiem the nao?
Hình ảnh minh họa cho các giai đoạn của xơ gan.

Xơ gan các giai đoạn đầu rất khó phát hiện, đến khi bước vào xơ gan giai đoạn cuối thì bệnh tình đã trầm trọng và khó cứu chữa. Các tế bào gan lúc này gần như mất hoàn toàn chức năng, để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh xơ gan như: viêm gan B, C không được điều trị đúng cách; ăn phải nguồn thức ăn mất vệ sinh gây sán lá gan, tăng nguy cơ bị xơ gan; người mắc các bệnh di truyền như Hemochromatosis, Wilson; bị nhiễm hóa chất độc hại như thạch tín, thủy ngân trong thời gian dài; Người lạm dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá... Các nguyên nhân khác cũng có thể gây xơ gan như béo phì, dùng quá, nghẽn ống dẫn mật,…

Xơ gan thường trải qua 4 giai đoạn. Giai đoạn 4 cũng chính là giai đoạn cuối, lúc này mô xơ thay thế gần như hoàn toàn tế bào gan khỏe mạnh. Vì vậy, gan không còn thực hiện được các chức năng của mình nữa. Sức khỏe người bệnh do đó càng trở nên nghiêm trọng, bệnh nhân đối diện với các triệu chứng và biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Benh nhan 251 nhiem Covid-19 tu vong do xo gan, vay can benh nay nguy hiem the nao?
Vàng da là một biểu hiện điển hình của căn bệnh xơ gan.

Các triệu chứng thường thấy ở bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối: Bệnh nhân xuất hiện vàng da, vàng mắt, vàng niêm mạc, xuất hiện dịch xoang bụng hay còn gọi là hiện tượng cổ trướng. Bệnh nhân cũng trải qua các cơn đau quằn quại, thiếu máu, suy giảm miễn dịch, cơ thể mệt mỏi và xuất huyết tiêu hóa...

Xơ gan giai đoạn cuối là một giai đoạn nguy hiểm, người bệnh có tỉ lệ sống không cao nếu không có sự can thiệp tích cực từ y học với các biện pháp như ghép gan, cấy tế bào gốc.

Tuy nhiên, người bệnh không vì thế mà bi quan, hãy luôn lạc quan và làm theo hướng dẫn của bác sĩ để tăng cường sự sống cho bản thân. Thực hiện chế độ sinh hoạt theo chỉ định như kiêng rượu, bia, các chất kích thích, ăn nhiều rau xanh, tập thể dục,… cũng là cách giúp bạn duy trì được sức khoẻ của mình.

Phong Vũ

Theo tạp chí Sống khỏe

Đầu trang
dich vu ke toan acb