Chuyên trang cập nhập những thông tin mới nhất về sức khỏe

Vì sao người lớn cũng chán ăn?

11:00 AM | 15/11/2018

Sự thay đổi hormone gây rối loạn tiêu hóa, tiền sử gia đình có người bị chán ăn, hoặc tính cách quá cầu toàn quá quan tâm tới hình dáng mảnh dẻ, là những nguyên nhân dẫn đến việc chán ăn ở người lớn, một căn bệnh “cũ người mới ta”.

Chán ăn do kiêng quá lâu

Ngày nay rất nhiều người, đặc biệt là phụ nữ bị ám ảnh muốn có một thân hình đẹp. Vì vậy mà họ đã thực hiện một chế độ ăn kiêng cực đoan. Dần dần việc ăn kiêng làm cho dạ dày bị thu hẹp lại, rối loạn tiêu hóa, xuất hiện cảm giác chán ăn, hoặc ăn một chút đã thấy no…

Lời khuyên của các BS. Nguyễn Danh (Trung tâm Dinh dưỡng Tp.HCM) cho những trường hợp này là, bạn nên tập thể dục thường xuyên, tích cực vận động làm cho cơ thể tiêu hao năng lượng nhiều hơn, cảm giác đói thèm ăn sẽ xuất hiện trở lại, như vậy bạn vừa có một thân hình đẹp mà vẫn đảm bảo sức khỏe để làm việc hay học tập.

Vi sao nguoi lon cung chan an?

Ảnh minh họa

Chán ăn do tâm thần

Anorexia nervosa là thuật ngữ chuyên môn nói về hội chứng chán ăn tâm thần hay chán ăn tinh thần. Triệu chứng thường gặp là: tinh thần thường lo lắng, sợ thịt cá, thích ăn rau xanh hoa quả, người trở nên “siêu mỏng” thậm chí phải vào viện.

Nguyên nhân gây chứng chán ăn tâm thần được khoa học phát hiện chủ yếu là do nguyên nhân sinh học. Dấu hiệu thường gặp ở người mắc bệnh chán ăn tâm thần là tiết thực, ăn uống rất hạn chế, kém ăn, chọn thực phẩm ít năng lượng, thích ăn thực phẩm ít carbohydrat, ít mỡ, ít vitamin khoáng chất.

Thực đơn cho những bệnh nhân chán ăn do tâm thần, cần cung cấp thức ăn giàu các chất khoáng và vitamin, giúp chống mệt mỏi: Canxi, magie, kẽm, vitamin nhóm B, vitamin C. Ăn thực phẩm giúp các tế bào tạo năng lượng (cá thu, mè, đậu hạt, đậu Hà Lan) và các acid amin cần thiết có trong thịt, cá, trứng, nhất là trong hải sản.

Chán ăn do gene

Chán ăn do gene mang tính di truyền, nhất là những người có mẹ, chị em mắc bệnh rối loạn ăn uống thì bản thân có rủi ro mắc bệnh cao. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như do serotone (một nội tiết tố liên qua đến hoạt động của vỏ não) triệt tiêu tính thèm ăn và làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Ở những người mắc bệnh chán ăn đều rất đặc biệt như có tính tự chủ, tự tin kém, làm việc theo cảm tính và duy trì những ý nghĩ hoàn toàn khác đối với những người bình thường. Gia đình toàn người gầy. Gầy có thể xuất hiện từ nhỏ hoặc từ tuổi dậy thì, đến khi trưởng thành thì cân nặng ổn định.

Với nhóm người thuộc thể trạng này không cần can thiệp điều trị vì họ vẫn khoẻ mạnh, thậm chí còn thọ lâu.

Chán ăn do tình trạng sức khỏe

Những tình trạng sức khỏe hoặc bệnh lý sau đây có thể là nguyên nhân gây nên chứng chán ăn của bạn như bệnh gan mãn tính, suy thận, suy tim, viêm gan, HIV, sa sút trí tuệ, suy giảm chức năng tuyến giáp.

Ngoài ra, một số dạng bệnh ung thư cũng có thể gây nên chứng chán ăn, đặc biệt nếu như khối u ung thư hình thành ở các cơ quan như đường ruột, dạ dày, buồng trứng ở phụ nữ và tuyến tụy. Bên cạnh đó, phụ nữ khi mang thai lần đầu cũng có thể gặp phải tình trạng biếng ăn này.

Chán ăn do rối loạn tiêu hóa

Nguyên nhân thường gặp là do dạ dày bài tiết dịch vị kém nên bạn ăn xong có cảm giác đầy hơi, không tiêu dẫn đến tình trạng kém ăn, chán ăn. Có một lý do thứ hai là những nhung mao ruột làm nhiệm vụ hấp thu vật chất lại kém nên thực phẩm tiêu hóa xong lại không đi vào máu được.

Bên cạnh đó, việc ăn uống không hợp lý, không điều độ, đúng giờ của nhiều người, lúc thì ăn quá nhiều khi thì lại nhịn ăn nên dẫn tới tình trạng rối loạn tiêu hóa, gây chán ăn, ăn không biết ngon. Nhưng trường hợp này phần lớn nên cần sự giúp đỡ của bác sĩ để có sức khỏe tốt.

Để phòng chống chán ăn do rối loạn tiêu hóa có hiệu quả, phải sắp xếp công việc hợp lý. Giờ nào việc đó, tránh làm quá sức quá giờ. Giảm bớt tham vọng, giữ tinh thần luôn lạc quan, thoải mái, vui vẻ. Nếu vứt bỏ được một cách dễ dàng những cay đắng, buồn phiền trong cuộc sống cũng có nghĩa là ta đã thực hiện được một bước tiến lớn trong việc.

Chán ăn do stress

Theo Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Quốc gia (Mỹ) thì công việc quá căng thẳng, tinh thần mất ổn định, thiếu ngủ, suy nghĩ quá nhiều làm cho người mệt mỏi, dẫn đến việc chán ăn, ăn không biết ngon, thậm chí ngửi mùi thức ăn còn buồn nôn.

Đây là những biểu hiện thường thấy của chứng chán ăn do căng thẳng đầu óc mà nhiều người quen gọi stress. Chán ăn do stress làm sụt cân và gầy ốm nhanh chóng, cơ thể suy nhược, tinh thần kém minh mẫn làm việc không tập chung làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

Nhiều người khi gặp trường hợp trên đã phải cầu cứu bác sĩ nhờ kê đơn thuốc để lấy lại sự ngon miệng trong ăn uống. Tuy nhiên nếu dùng đi dùng lại nhiều lần lại đâm ra nhờn thuốc, nghiện thuốc, sức đề kháng của thể mất đi và tình trạng chán ăn vẫn tiếp tục tiếp diễn.

Trong nhiều cách để cải thiện tình trạng chán ăn này, thì việc thực hiện một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đúng với tình trạng sức khoẻ là điều quan trọng nhất.

Bên cạnh đó, cần thực hiện một chế độ làm việc, luyện tập thể dục, ngủ nghỉ hợp lý… để giúp cơ thể thoải mái, yêu đời thì cảm giác ngon miệng khi ăn sẽ quay trở lại.

Để giúp cho não hoạt động tốt, nên có ít nhất 3 bữa cá biển trong tuần. Chế độ ăn chay ít cholesterol, ít axit béo sẽ có lợi cho cơ thể trong việc phòng chống stress.

Chán ăn do dùng các loại thuốc điều trị

Một số loại thuốc điều trị có thể gây nên tình trạng suy giảm khẩu vị. Các loại thuốc này bao gồm loại chất gây nghiện như Cocain, Heroin và Amphetamine, cùng với một số loại thuốc kê theo toa khác. Những loại thuốc kê toa có thể gây chứng chán ăn bao gồm: một vài loại thuốc kháng sinh, codein, morphine, thuốc hóa trị.

Làm gì để ăn ngon miệng?

- Việc tạo không khí vui vẻ khi dùng bữa, như ăn cùng với gia đình và bạn bè, tự nấu các món ăn ưa thích, cũng có thể giúp bạn phần nào kích thích sự thèm ăn.

- Nên tập thể dục, vận động một tí trước bữa ăn. Chúng ta có cảm giác đói bụng và ăn ngon miệng hơn.

- Thay đổi món ăn thường xuyên để tránh sự nhàm chán.

- Tránh dùng những loại thức ăn chứa quá nhiều dầu mỡ và quá béo vì chúng dễ làm cho mau no và khó tiêu.

- Nên ăn thành những phần nhỏ nhưng ăn làm nhiều lần.

- Hãy tạm ngưng những thứ có thể làm đứt quãng bữa ăn của bạn, ví dụ như điện thoại, tivi… Thay vào đó, bắt đầu bữa ăn bằng việc thư giãn với âm nhạc, hoặc những âm thanh của tự nhiên.

- Hãy nhai thật chậm để thưởng thức hương vị thơm ngon của thức ăn, ăn từ từ cho đến khi bạn cảm thấy no bụng.

- Một ly rượu chát nho nhỏ trước bữa ăn sẽ giúp chúng ta ăn ngon miệng hơn.

- Nếu bạn đang trong quá trình trị bệnh, hãy nói cho bác sĩ để được điều chỉnh chế độ ăn uống cho thích hợp.

Thu Hương

Theo tạp chí Sống Khỏe

Đầu trang
ke toan thue tai chinh