Tiêm phòng COVID-19, có nên đợi loại vaccine ‘xịn’ hơn hay sẽ tiêm kết hợp các loại vaccine khác nhau?
5:00 PM | 21/06/2021
Trước tình hình dịch Covid-19 lây lan nhanh, TP. HCM và một số nơi đang có chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 cho người dân và chủ yếu là vaccine AstraZeneca. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn tỏ ra lo ngại về hiệu quả của loại vaccine này và muốn đợi loại vaccine tốt hơn.
- Vì sao phụ nữ dễ mắc các phản ứng phụ hơn sau khi tiêm vaccine COVID-19?
- Chỉ cần tiêm một mũi duy nhất, vaccine Covid-19 của Johnson & Johnson liệu có an toàn?
- Tất tần tật những điều cần biết về tiêm vaccine phòng Covid-19: Ai cần tiêm trước, ai không nên tiêm, phụ nữ mang thai có tiêm không...?
- 4 mũi tiêm vaccine cần thiết trước khi có bầu
- Nghiên cứu chỉ ra tập thể dục 150 phút mỗi tuần có thể giảm nguy cơ tử vong khi mắc COVID-19
Tuy nhiên, nghiên cứu mới về giải pháp tiêm kết hợp các loại vaccine cho thấy hiệu quả cao hơn, cả về khả năng miễn dịch của cơ thể lẫn công tác hậu cần trong quá trình tiêm chủng.
Trên thế giới, do có nguy cơ gây ra các cục máu đông kết hợp với lịch trình chuyển giao vaccine không đúng với dự định khiến nguồn cung bị thiếu hụt, một số nước đã tạm dừng tiêm vaccine COVID-19 AstraZeneca cho người dân. Đồng thời, một số quốc gia hiện cũng đang nghiên cứu tiêm kết hợp các loại vaccine COVID-19 khác nhau cho mỗi người.
Nhiều người có tâm lý muốn đợi vaccine tốt hơn rồi mới tiêm. |
Một nghiên cứu về chế độ vaccine “dị hợp” đang được tiến hành ở Anh, nhưng theo các nhà khoa học, có lý do để tin rằng việc sử dụng hai liều vaccine COVID-19 khác nhau giúp tăng cường phản ứng miễn dịch hơn là tiêm hai liều cùng một loại vaccine.
Nghiên cứu nói gì về việc tiêm kết hợp 2 loại vaccine phòng COVID-19?
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford ở Anh đã khởi động một nghiên cứu vào đầu tháng 2, nhằm xem xét tác động của việc luân phiên sử dụng các loại vaccine COVID-19 khác nhau. Nghiên cứu này, còn có tên gọi khác là nghiên cứu COVID-19 Heterologous Prime Boost, hay "Com-COV" - đang thu thập dữ liệu để xác định xem liệu việc tiêm 2 liều với 2 loại vaccine khác nhau có tạo ra phản ứng miễn dịch như khi tiêm 2 liều cùng một loại vaccine hay không.
Đa số các loại vaccine hiện đang được sử dụng trên thế giới đều theo lịch trình 2 liều giống nhau, một liều chính và liều tăng cường thứ hai cách nhau vài tuần. Riêng Vaccine Johnson & Johnson của Mỹ thì chỉ cần tiêm một liều và đã được chấp thuận sử dụng ở một số nước nhưng hiện vẫn chưa được sử dụng rộng rãi.
Các nhà nghiên cứu ở Oxford đang đánh giá tác động của việc kết hợp vaccine. Họ so sánh kết quả của liều đầu tiên là vaccine AstraZeneca, mũi tiếp theo là vaccine Pfizer hoặc liều đầu tiên là vaccine Pfizer sau đó liều thứ hai là vaccine AstraZeneca. Một nghiên cứu thứ hai, được gọi là Com-COV 2, bao gồm các sản phẩm của Moderna và Novavax.
Các nhà nghiên cứu cho biết: “Nghiên cứu này cho chúng ta cái nhìn sâu sắc hơn về cách sử dụng vaccine để ngăn chặn dịch bệnh. Đó là việc kết hợp các loại vaccine khác nhau sẽ khiến phản ứng miễn dịch được tăng cường, tạo ra mức kháng thể cao hơn và tồn tại lâu hơn".
Triển vọng về “phản ứng miễn dịch mạnh hơn” nhờ sự kết hợp các loại vaccine COVID-19 khác nhau
Ngày càng nhiều quốc gia đang xem xét chuyển sang các loại vaccine COVID-19 khác nhau để tiêm liều thứ hai hoặc tiêm nhắc lại trong bối cảnh nguồn cung bị chậm trễ. Bên cạnh đó, sự lo ngại về mức độ an toàn cũng góp phần làm chậm các chiến dịch tiêm chủng ở nhiều nước. Vì thế, việc tiêm kết hợp nhiều loại vaccine COVID-19 đã và đang được xem xét ứng dụng.
Ngày càng nhiều quốc gia đang xem xét chuyển sang các loại vaccine COVID-19 khác nhau để tiêm liều thứ hai hoặc tiêm nhắc lại trong bối cảnh nguồn cung bị chậm trễ - (Ảnh: Freepik). |
Cụ thể, ngày 19/5 vừa qua, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Carolina Darias cho biết, nước này sẽ cho phép những người dưới 60 tuổi đã tiêm mũi AstraZeneca đầu tiên được tiêm liều thứ hai với vaccine AstraZeneca hoặc Pfizer. Tuyên bố này được đưa ra sau khi có kết quả sơ bộ của một nghiên cứu do Viện Y tế Carlos III do nhà nước hậu thuẫn về tác dụng của sự kết hợp các loại vaccine COVID-19 khác nhau.
Hôm 1/6, Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) cũng khẳng định, họ đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên những người trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ để đánh giá tính an toàn và khả năng sinh miễn dịch của việc tiêm kết hợp các loại vaccine COVID-19 khác nhau.
Nga cũng bắt đầu thử nghiệm vaccine COVID-19 kết hợp giữa vaccine Sputnik V và các loại vaccine khác nhau của Trung Quốc. Thông tin này được hãng thông tấn Interfax dẫn lời quỹ đầu tư quốc gia RDIF của Nga hôm 4/6. RDIF cũng cho biết, không có tác dụng phụ tiêu cực nào được tìm thấy trong các thử nghiệm lâm sàng kết hợp giữa vaccine AstraZeneca và Sputnik V.
Ngày 18/6 vừa qua, Hàn Quốc cũng thông báo, khoảng 760.000 người đã được tiêm liều đầu tiên vaccine AstraZeneca sẽ được tiêm mũi thứ hai bằng vaccine Pfizer do chương trình chia sẻ vắc xin toàn cầu COVAX bị chậm trễ.
Như vậy, việc tiêm các loại vaccine khác nhau cho cùng một người có vẻ đang được đánh giá là đem lại hiệu quả cao hơn và được nhiều nước tiến hành thử nghiệm.
Ở Việt Nam hiện nay, vaccine được sử dụng nhiều nhất là vaccine AstraZeneca. Nhiều người dân vẫn còn lo ngại về mức độ an toàn khi tiêm vaccine này tuy nhiên, các chuyên gia y tế đều cho rằng, đừng để sự lo lắng làm chậm trễ cơ hội được tiêm vaccine của bản thân.
Thanh Thanh
Theo Người đưa tin
Nhiều vấn đề về sức khỏe nảy sinh từ cuộc sống thường ngày. Tìm hiểu ngay để tìm hiểu rõ nguyên nhân và cách phòng bệnh
Tìm hiểu ngay