Chuyên trang cập nhập những thông tin mới nhất về sức khỏe

Những lời nói dối chân thành

9:18 AM | 29/05/2018

Cuộc sống đôi khi không cho chúng ta được quyền nói sự thật và lúc này những lời nói dối chân thành cũng là một giải pháp để có một kết cục tốt đẹp hơn.

Nhung loi noi doi chan thanh

Ảnh minh họa

“Xin lỗi, anh không còn yêu em!”

Anh ngồi trong quán cà phê đợi chị, cơn mưa làm tóc chị rối bời, những giọt nước mưa rớt xuống má chị ướt nhoè. Đã lâu không gặp, chị béo hơn xưa một chút, đôi má hồng hào hơn, dường như chị đang rất hạnh phúc, bởi trên khuôn mặt chị không còn sự khắc khoải, đau đớn, không còn những giọt nước mắt tủi hờn khi nghe anh nói “Xin lỗi, anh không còn yêu em”. Chị ngồi xuống, gọi một ly nước chanh.

- Cuộc sống của anh thế nào?

- Tốt! Anh trả lời mà không dám nhìn vào mắt chị. Chị khẽ mở túi lấy ra một chiếc thiệp hồng đưa cho anh.

- Cuối tuần này em tổ chức, anh đến dự nhé? Anh nhận lấy chiếc thiệp mời từ tay chị, khẽ gật đầu dù trái tim đau nhói. Chị đang ngồi trước mặt anh rất gần, nhưng cũng thật xa. Mùi hương quen thuộc trên tóc chị khiến anh muốn choàng tay ôm chị một cái thật chặt, nhưng không được nữa rồi. Chị đã thuộc về người khác, không còn là vợ anh nữa và anh đủ lòng tự trọng để không làm thế, bởi chính anh đã đẩy chị ra khỏi cuộc đời mình. Trong mắt chị anh mãi mãi là người chồng bội bạc, chạy theo người đàn bà khác, đau đớn hơn nữa lại là người bạn thân của cả hai người.

Chẳng phải anh đã mong ngày này đến thật nhanh đó sao? Chẳng phải anh đã ước cho chị sẽ tìm được một bờ vai để nương tựa nốt phần đời còn lại? Nhưng không hiểu sao giờ này, trái tim anh lại đau đến thế. Anh ghen với người đàn ông mới của chị, bởi anh ta thật may mắn khi cưới được chị làm vợ.

Chị về rồi, còn lại mình anh với ly cà phê, một cơn đau chợt nhói lên khiến anh luống cuống, mồ hôi vã trên trán, đôi tay anh run run tìm lọ thuốc trong túi áo nhưng không thấy. Anh lấy điện thoại gọi cho cô bạn thân - người đã giúp anh hoàn thành vở kịch đau đớn của cuộc đời mình. Lát sau, một người phụ nữ bước vào vẻ mặt hốt hoảng đỡ lấy anh, miệng không ngớt lời trách mắng:

- Em đã bảo anh rồi, tại sao phải làm khổ mình như thế? Cô lấy những viên thuốc đưa cho anh, cơn đau dịu đi đôi chút. Anh ngồi ngả đầu vào ghế, nhịp thở dần trở lại bình thường, giọng thều thào phân bua:

- Em bảo anh phải làm gì bây giờ, anh bệnh tật thế này cứ bám lấy người ta là ích kỷ lắm. Em biết không?

Người đàn bà nổi cáu:

- Đẩy Phương đi lấy chồng, anh tưởng mình cao thượng lắm sao, như thế là hèn đấy? Anh im lặng không nói gì. Thấy mình quá lời, người đàn bà dịu giọng:

- Em xin lỗi, nhưng em nghĩ anh không nên dàn cảnh hắt hủi Phương, đẩy cô ấy đến với người khác. Anh có nghĩ cho tâm trạng của cô ấy khi biết sự thật không? Anh mỉm cười, vẻ mặt hạnh phúc:

- Nhưng giờ cô ấy đã tìm được một chỗ dựa vững chắc, anh có ra đi cũng không lo lắng gì nữa. Anh xin em đừng nói sự thật, hãy để Phương thanh thản.

Người đàn bà khẽ thở dài, đưa tay lau những giọt mồ hôi trên trán anh. Dối trá đôi khi cũng là tình yêu.

Sức mạnh từ lời nói dối

Năm 17 tuổi, một tai nạn đã làm tôi phải nhập viện trong một thời gian dài, việc học ở trường buộc phải hoãn lại. Sau khi thấy tình trạng của tôi tạm ổm, bác sỹ cho tôi xuất viện về nhà nằm điều trị thêm. Việc tôi bị tai nạn khiến cha mẹ tôi suốt ngày cau có đổ lỗi cho nhau. Cha tôi, một người đàn ông gia trưởng, luôn luôn cho mình là đúng. Ông không chấp nhận được chuyện một đứa con gái lại có thể đua xe, chơi bời với lũ học sinh nam bất hảo. Mẹ tôi, một người phụ nữ yếu đuối luôn phục tùng chồng vô điều kiện và thương con không chuẩn mực. Bà không thể nào biết những đứa trẻ tuổi ẩm ương như tôi nghĩ gì, để mà dạy bảo, khuyên nhủ. Vì vậy, tôi cảm thấy mình bị bỏ mặc trong chính gia đình của mình cho tới cái ngày định mệnh đó.

Nhung loi noi doi chan thanh

Tôi nằm trên giường bệnh mê man, trong đầu mơ màng hiện lên hình ảnh cha tôi nghiêm khắc ngồi trên chiếc ghế tràng kỷ giữa nhà, bên cạnh là ấm trà đặc, miệng không ngớt lời chỉ trích, trách mắng. Mẹ tôi đang ngồi gần đó, cách cha tôi một khoảng cách nhỏ, nhưng bà không ngồi trên ghế mà ngồi dưới nền nhà, khuôn mặt khắc khổ, sụt sịt, khóc lóc.

Tôi nghe loáng thoáng tiếng mẹ nói “Con dại cái mang, ông có đánh mắng gì thì nhằm vào tôi đây này, đừng hành hạ con, nó khổ lắm rồi”. Tôi cứ nằm như thế, cho đến lúc không thể nào ngủ thêm được nữa, tôi mở mắt nhìn cuộc sống. Ánh sáng chiếu vào qua cửa sổ, khiến mắt tôi bị chói không chịu nổi. Tôi lấy tay che mắt, toàn thân nhức mỏi, đôi chân tê cứng không cảm giác. Tôi cố gắng nhúc nhích định vướn người kéo chiếc rèm cửa che ánh nắng vào phòng, nhưng bất lực. Đôi chân tôi dường như không nghe lời tôi nữa, nó cứ nằm im một chỗ, mặc tôi cố sức tới cỡ nào. Tôi với tay lên đầu giường bấm chuông kêu người trợ giúp. Một lát sau, mẹ tôi bước vào. Tôi nhìn mẹ, rồi nhìn xuống chân, dường như hiểu ý tôi mẹ khẽ cười an ủi “Tạm thời con chưa đi lại được, nhưng sẽ nhanh chóng hồi phục thôi”. Nghe mẹ nói vậy, tôi cũng yên tâm phần nào, nhưng để cho chắc chắn tôi nhờ mẹ gọi giúp vị bác sỹ điều trị cho tôi. Không lâu sau, một vị bác sỹ già bước vào phòng nhìn tôi trìu mến “Cô bé yên tâm, chân cháu không sao cả, chỉ cần cháu chăm chỉ luyện tập”. Lúc này, tôi đã hoàn toàn tin tưởng vào khả năng hồi phục của mình, nên tôi lại tiếp tục thiếp đi.

Buổi trưa, mẹ mang đồ ăn vào phòng cho tôi, thấy tôi ăn được hết bát cháo, bà mừng lắm, những vẫn cứ sụt sịt khóc, thấy lạ nên tôi hỏi “Con hồi phục bình thường, mẹ còn khóc gì nữa?” Mẹ tôi vội vàng lau khô những giọt nước mắt phân bua “Tại con đã khỏe nên mẹ vui quá”. Tôi cười vì sự trẻ con của mẹ.

1 tháng sau, chân tôi vẫn không thể nào nhúc nhích, xót ruột vì tình trạng của mình, tôi lại tiếp tục hỏi bác sỹ điều trị và câu trả lời mà tôi nhận được vẫn là “Cháu cần thời gian bình phục và luyện tập”. Mong muốn được đi trên đôi chân của mình khiến tôi bất chấp đau đớn, ngày ngày tôi đều chăm chỉ luyện tập. Lúc đầu, hai chân tôi tê cứng, chúng không chịu nghe lời tôi cứ cứng đơ như khúc gỗ, nhưng tôi tin lời vị bác sỹ nói “Chỉ cần tôi chăm chỉ”. Vì vậy, tôi đã rất cố gắng, mỗi ngày một chút.

6 tháng sau, đôi chân của tôi bắt đầu đi được những bước nhỏ, 1 năm sau, tôi đã đi lại bình thường. Đến lúc này, cả nhà tôi mới nói thật rằng “khi tôi bị tai nạn cơ hội đi lại bình thường của tôi còn lại rất ít, vì sợ tôi thất vọng nên mọi người đã nói dối. Nhưng cũng nhờ lời những lời nói dối đó, mà tôi có thêm niềm tin vào cuộc sống và tôi đã bình phục.

Khánh An

Theo tạp chí Sống Khỏe

Đầu trang
dịch vụ tư vấn