Chuyên trang cập nhập những thông tin mới nhất về sức khỏe

  • BKSK»
  • Lối sống »
  • Người Việt đối mặt với nguy cơ loãng xương đến 60%, nguồn cơn đến từ những vấn đề sau đây

Người Việt đối mặt với nguy cơ loãng xương đến 60%, nguồn cơn đến từ những vấn đề sau đây

12:00 AM | 12/04/2024

Các chuyên gia khoa xương khớp cho biết, bệnh loãng xương đang là một trong những vấn đề y tế cấp bách của nước ta, với nguy cơ mắc bệnh ở mỗi người là 60%. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ này tăng cao, nhưng phổ biến nhất vẫn là do những vấn đề sau đây.

Chúng ta đều biết, sự chắc khỏe của xương đa phần đến từ chế độ dinh dưỡng cân đối và đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là canxi và vitamin D. Canxi là thành phần chính của xương, giúp xương trở nên chắc khỏe và cứng cáp. Vitamin D cũng rất quan trọng vì giúp cơ thể hấp thụ canxi từ thực phẩm.

Từ điều này mà hầu như ai cũng nhận định rằng là cứ ăn thật nhiều các thực phẩm có chứa vitamin D hoặc canxi là có thể duy trì được sức khỏe của xương. Ngoài ra, nhiều người cũng lầm tưởng rằng cứ vận động nhiều thì sẽ tránh được tình trạng loãng xương. Nhưng thực tế thì không phải vậy!

1. Ăn thật nhiều thực phẩm chứa canxi là xương sẽ luôn chắc khỏe - có đúng không?

Chắc chắn là việc ăn các thực phẩm có chứa nguồn canxi dồi dào sẽ giúp xương chắc khoẻ là hoàn toàn đúng. Nhưng, bổ sung “thật nhiều” thì phản tác dụng, thậm chí làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tật do hiện tượng thừa canxi gây ra.

Theo đó, đối với trẻ nhỏ, dung nạp quá nhiều canxi có thể gây ra tình trạng mệt mỏi, biếng ăn, táo bón, suy dinh dưỡng (nguy cơ mắc bệnh thận gây giảm chức năng hấp thu các chất khoáng như sắt, kẽm, magiê, phospho... gây suy dinh dưỡng), thấp còi (hàm lượng canxi trong máu tăng cao có thể đi vào xương nhiều hơn, gây nên hiện tượng cứng xương sớm ở trẻ, khó phát triển chiều cao), đau xương, đau cơ, đi tiểu nhiều,...

Đối với người lớn, việc bị thừa canxi sẽ khiến các khớp, xương dễ bị giòn và gãy (lượng canxi tăng trong cơ thể sẽ liên kết với phosphat để hình thành apatit - chất rắn nhất khiến cho xương trở nên cứng, giòn và dễ gãy), mắc các bệnh lý về xương như vôi hóa xương, đau xương khớp, loãng xương, gãy xương, biến dạng cột sống. Ngoài ra là nguy cơ mắc các bệnh khác như sỏi thận, cường giáp, tim mạch, rối loạn tiêu hoá hoặc hấp thu dinh dưỡng kém.

Nguoi Viet doi mat voi nguy co loang xuong den 60%, nguon con den tu nhung van de sau day

Chỉ nên bổ sung canxi theo hàm lượng đã được định sẵn. Đối với trẻ nhỏ từ 0 - 1 tuổi, chỉ nên nạp từ 400 - 600mg/ ngày. Trẻ từ 1 - 11 tuổi thì nên nạp từ 600 - 800mg/ ngày. Trẻ từ 12 đến độ tuổi trưởng thành nên từ 800 - 1200mg/ ngày.

2. Dùng nhiều nước hầm xương có thể giúp chắc khỏe xương - chưa chắc!

Thực tế, trong canh xương hầm được khẳng định là có canxi và có thể thúc đẩy quá trình chắc khỏe xương. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho biết, hàm lượng canxi có trong canh xương hầm rất ít, chỉ có khoảng 2 - 4mg/ 100ml. Phần còn lại chính là chất béo và purine.

Với quan niệm “dùng nhiều nước hầm xương sẽ giúp xương chắc khỏe”, chính các chuyên gia dinh dưỡng cũng đã lên tiếng đính chính rằng thông tin này hoàn toàn không đúng. Nước hầm xương có thể giúp khỏe xương nhưng chỉ ở một phần nào đó nhất định với điều kiện bạn dùng nó hợp lý và có điều độ, ngược lại, nếu dùng quá nhiều, có thể gây ra một số rủi ro sức khỏe không mong muốn.

Cụ thể, việc dùng quá nhiều nước hầm xương có thể khiến cơ thể dung nạp quá nhiều chất béo, lâu dần sẽ dẫn tới béo phì - một dạng bệnh lý có thể khiến xương yếu đi, dễ gãy hoặc loãng xương. Ngoài ra, hàm lượng purine cao có trong nước hầm dễ dẫn đến mỡ máu cao, axit uric cao,.. Những người bị huyết quản tim, bệnh phong, huyết áp cao, mỡ máu cao, tiểu đường càng không nên ăn.

Nguoi Viet doi mat voi nguy co loang xuong den 60%, nguon con den tu nhung van de sau day

Nhìn chung, cần hạn chế dùng nước hầm xương vì thực chất canxi rất khó tan trong nước, do đó hàm lượng chất có trong canh cũng không nhiều. Thay vào đó, chất béo và purine dùng nhiều có thể đe dọa sức khỏe của chúng ta, đặc biệt là với những người trung niên và cao tuổi (Ảnh: Internet)

3. Sữa là nguồn thực phẩm cung cấp canxi và vitamin D tốt nhất - không hẳn!

Các chuyên gia đã khẳng định, sữa tươi là nguồn cung cấp canxi và vitamin D vô cùng dồi dào, tuy nhiên nó không phải là nguồn thực phẩm tốt nhất. Trong mỗi 100ml sữa tươi chỉ chứa khoảng 104mg canxi, trong khi đó, tôm khô lại nằm ở top đầu danh sách những thực phẩm giàu canxi với 991mg/ 100g, kế đó là hạt vừng với 620mg/100g.

Đương nhiên thì việc uống sữa của ta không phải là điều vô ích. Dù rằng hàm lượng canxi trong sữa tươi không quá cao, nhưng nếu uống đều đặn hằng ngày, đây vẫn là một cách tăng cường canxi hiệu quả. Trong mỗi cốc sữa khoảng 250ml có thể giúp chúng ta bổ sung thêm 260mg canxi.

Điều các chuyên gia muốn khuyên mọi người là không nên nghĩ rằng sữa là nguồn cung cấp canxi và vitamin D tốt nhất, vì việc uống quá nhiều sữa cũng có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như ảnh hưởng đường tiêu hóa, tăng cân béo phì, hoặc xảy ra phản ứng ngược khiến xương dễ gãy hoặc nhanh lão hóa hơn. Thay vào đó, hãy cân bằng sữa cùng các loại thực phẩm khác như: rau, cá, các loại hạt đậu và trứng để được hấp thu tối đa các chất cần thiết.

4. "Vận động thật nhiều sẽ giúp xương chắc khỏe" là sai lầm!

Vận động hoặc tập thể dục - thể thao vốn dĩ rất được khuyến khích nhờ vào những lợi ích nó mang lại, đặc biệt là cho hệ thống xương khớp của con người. Tuy nhiên, việc vận động cần phải hợp lý, nếu “nhiều” ở mức quá mức hoặc vận động mạnh, nặng liên tục có thể sẽ gây ra nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.

Nguoi Viet doi mat voi nguy co loang xuong den 60%, nguon con den tu nhung van de sau day

Các chuyên gia thể hình khuyến cáo, một người trưởng thành chỉ nên dành tối đa 5 giờ để tập luyện ở cường độ trung bình hoặc 2,5 giờ ở cường độ cao mỗi tuần. Việc vận động quá sức đôi khi không giúp xương khỏe lên mà ngược lại là yếu đi (Ảnh: Internet)

Nguyên nhân đến từ sự tăng sinh của cortisol - một loại hormone được tiết ra tại tuyến thượng thận mỗi khi cơ thể bị áp lực về mặt thể chất. Loại hormone này tiết ra quá nhiều sẽ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe xương khớp. Người vận động quá sức có thể phải đối mặt với nguy cơ đau ốm cao, thậm chí nguy cơ nằm liệt giường cũng cao gấp đôi so với người bình thường. Khi trong máu có sự xuất hiện của hormone cortisol, mô xương được tích lũy ít hơn so với mô xương bị phân hủy. Điều này khiến cho tình trạng rạn, nứt xương ở những người này cũng dễ xảy ra hơn.

Nhìn chung, bệnh loãng xương có thể hạn chế được nếu chúng ta từ bỏ được 4 quan niệm sai lầm kể trên - vốn là những nguyên nhân nổi bật nhất trong quá trình làm lão hóa xương và yếu xương. Hãy thay đổi chế độ dinh dưỡng cân bằng, phù hợp hơn đồng thời xây dựng các bài tập vận động hợp với thể trạng của mình, không cố quá sức để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Đầu trang
dịch vụ kế toán thuế chuyên nghiệp