Đây là 3 kiểu bố mẹ dễ khiến trẻ trầm cảm: Cần thay đổi ngay, đừng để một ngày mất con vĩnh viễn rồi mới hối hận
12:00 AM | 31/03/2021
Có những kiểu bố mẹ thường yêu thương và kỳ vọng quá nhiều vào con mà không hề biết, điều này có thể khiến con trẻ trầm cảm vào một ngày nào đó. Soi chiếu xem bản thân mình có đang phạm phải không để khắc phục ngay nhé!<BR>
- Khi nào bạn nên cho con tự đi bộ đến trường thay vì đưa đón? Đây là câu trả sẽ giúp cha mẹ giải tỏa được thắc mắc bấy lâu
- Đừng biến mình thành kiểu ‘cha mẹ trực thăng’, kiểm soát con cái mọi lúc mọi nơi
- Khi con trẻ ngày càng trở nên vô ơn - Bài học dành cho cha mẹ
- 6 điều cha mẹ nên tránh khi dạy con quý thân thể
- 11 cách sơ cứu trẻ tại nhà cha mẹ cần biết
1. Bố mẹ quá kỳ vọng khiến trẻ bị trầm cảm
Có những ông bố, bà mẹ vì luôn mong muốn con mình trở thành người tài giỏi mà đã ép buộc con phải tuân theo răm rắp những kế hoạch mà bố mẹ cho là đúng. Cụ thể, họ đưa ra thời gian biểu để con học hoặc tập luyện theo ý thích của mình chính xác từng phút, từng giờ.
Điều này có thể khiến đứa trẻ vì sợ hãi mà làm theo, không cự cãi, cũng không tỏ thái độ khó chịu. Thế nhưng, lâu dần, những đứa trẻ đó có thể thu mình lại và ít có bạn bè, khó hòa nhập. Và từ việc luôn muốn làm hài lòng bố mẹ, đứa trẻ đó sẽ có xu hướng muốn làm hài lòng người khác, ngay cả khi bản thân cảm thấy không vui. Ngày qua ngày, những cảm xúc đè nén khiến trẻ không còn thấy hạnh phúc và trở nên trầm cảm.
Đặt quá nhiều kỳ vọng vào con mình có thể khiến trẻ bị quá tải, chết dần cảm xúc từ đó có thể dẫn đến trầm cảm. - (Ảnh Freepik) |
Lời khuyên: Quá nhiều kỳ vọng sẽ "bóp chết" cảm xúc của một đứa trẻ, từ đó khó tránh khỏi tình trạng trầm cảm. Vì vậy, hãy chấp nhận con mình ở mức không hoàn hảo. Hãy để chúng tự do sáng tạo, theo đuổi mục tiêu và làm những điều mình thích. Điều này sẽ góp phần tạo nên những thành công, và hạnh phúc cho trẻ trong tương lai. Vai trò của bố mẹ là, chỉ nên khuyến khích, tạo cho con thêm động lực học tập, không nên đề ra những mục tiêu để áp đặt và bắt con phải thực hiện bằng được.
2. Bố mẹ không hề quan tâm đến cảm xúc của con
Một số bậc phụ huynh vì muốn rèn luyện cho con mạnh mẽ hơn mà đã vô tình làm tổn hại đến cảm xúc của con, mặc cho chúng đang buồn.
Thống kê cho thấy, những câu hỏi như: "Tại sao phải khóc?”, “Nước mắt có giải quyết được vấn đề không?”, "Việc gì phải sợ, hãy nhìn bạn bè con đi, họ có khóc không?” từ bố mẹ mình khiến trẻ trầm cảm và làm trầm trọng hơn chứng này. Cụ thể, đã có những trường hợp trẻ tâm sự với thầy cô giáo rằng, em chỉ muốn chết và kết quả học hành giảm sút không rõ nguyên nhân. Cuối cùng, khi bố mẹ phát hiện ra nỗi u uất, và đưa trẻ đến bệnh viện thì trẻ đã bị trầm cảm nghiêm trọng.
Đừng vì mong muốn con mình trở nên mạnh mẽ, tự tin hơn mà phớt lờ đi cảm xúc của con. - (Ảnh Freepik) |
Lời khuyên: Bố mẹ có biết, cách đẩy con vào trầm cảm nhanh nhất chính là bỏ mặc, không quan tâm đến cảm xúc của con. Bởi, đứa trẻ lúc này giống như sống trên một hòn đảo biệt lập, không ai coi trọng và không ai nhìn thấy. Đây là hành vi không làm tổn thương cơ thể, nhưng trừng phạt trái tim một cách mạnh mẽ nhất.
Vì vậy, nếu bố mẹ đang có những hành vi này với chính đứa con thân yêu của mình, hãy dừng lại ngay. Thay vào đó, hãy quan tâm đến cảm xúc của con nhiều hơn. Hãy tạo điều kiện để trẻ có thể bộc lộ cảm xúc vui buồn bằng những câu hỏi mở như: “Hôm nay con thấy thế nào?”, “Có vẻ như con đang buồn vì không có ai chơi với con?”, “Có vẻ là hôm nay con rất vui/ rất hạnh phúc phải không, nói cho bố/mẹ nghe đi!” hay “Bố/mẹ thấy con không vui khi học/ chơi môn này?”.
3. Bố mẹ xem thường và phớt lờ sự cố gắng của con
Xúc phạm con, đặc biệt là xúc phạm chúng trước mặt người khác chính là cách mà các bậc phụ huynh đang làm cho lòng tự trọng của con bị suy giảm. Cụ thể, bố mẹ sẽ có những câu nói tổn thương khi con mình được người khác khen ngợi như: “Chăm chỉ gì, chỉ toàn giả vờ” hay “Ôi dào, nó có giỏi gì đâu”, “Trông bạn A kìa, bạn A mới giỏi”.
Những đứa trẻ bị bố mẹ thường xuyên xúc phạm hoặc xúc phạm trước mặt người khác sẽ rất khó khăn trong việc nhận ra những giá trị tốt đẹp của bản thân chúng. Mà đây là điều quan trọng bậc nhất giúp trẻ sống tốt sau này. Nếu một đứa trẻ luôn bị bố mẹ đổ lỗi, nhạo báng, lâu dần sự tự tin của chúng bị bào mòn, lòng tự trọng bị đánh gục và cuối cùng rơi vào bóng tối.
Lời khuyên: Tôn trọng là con đường hai chiều. Khi bố mẹ xúc phạm con cái thì hãy chuẩn bị đón nhận việc con cái không tôn trọng mình khi chúng lớn lên. Điều này thật khó chấp nhận nhưng nó như một quy luật, cho đi thế nào thì sẽ nhận lại thế ấy. Do đó, khi trẻ đã làm được một việc tốt, dù là nhỏ nhoi bố mẹ cũng nên tán thưởng và có vài lời động viên như: “Con đã làm tốt lắm”, “Con thật sự đã rất chăm chỉ, hãy cố gắng giữ phong độ này, con nhé!”.
Trong trường hợp con bạn mắc lỗi, hoặc bị điểm kém, bạn hãy nhẹ nhàng góp ý nhắc nhở về khuyết điểm đó, không buông những lời nhận xét ám chỉ. Cụ thể, chỉ nên nói: “Hôm nay con lại không cố gắng để bị điểm kém à? Mẹ/ bố hơi buồn đó!''. Tránh những lời nói như: “Sao con dốt thế”. Vì nhận xét như vậy là xúc phạm, là phủ nhận mọi cố gắng từ trước đến nay của trẻ, lâu ngày có thể khiến trẻ trầm cảm là điều hiển nhiên.
Khi con đạt được thành tựu, cho dù là nhỏ nhoi cha mẹ cũng nên động viên, khuyến khích con. - (Ảnh Freepik) |
Mong rằng các bậc cha mẹ đừng phạm phải những sai lầm khiến trẻ bị trầm cảm kể trên để con bạn luôn được trưởng thành trong một môi trường lành mạnh, hạnh phúc vì cha mẹ luôn thấu hiểu và cảm thông. Đừng vì những khắc khe không đáng mà đẩy trẻ xuống vực sâu của nỗi buồn.
My Lê
Theo Người đưa tin
Nhiều vấn đề về sức khỏe nảy sinh từ cuộc sống thường ngày. Tìm hiểu ngay để tìm hiểu rõ nguyên nhân và cách phòng bệnh
Tìm hiểu ngay