Chuyên trang cập nhập những thông tin mới nhất về sức khỏe

Khám phá thủy liệu pháp

2:02 PM | 04/06/2015

Thủy liệu pháp đang là một trong những phương pháp trị liệu dễ chịu nhất dành cho bệnh nhân xương khớp, cao huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, tuần hoàn máu não...

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Thủy liệu pháp (thalassotherapy, hydrotherapy) đã được người Ai Cập cổ đại biết đến và áp dụng trị liệu cho các bậc đế vương từ hàng ngàn năm trước, nhưng mãi tới thế kỷ 5 trước công nguyên, thuỷ liệu pháp mới được giới y học châu Âu biết đến. Nhưng tiếc thay, trong giai đoạn đó và khoảng thời gian rất dài sau này, thủy liệu pháp vẫn chưa được giới khoa học thế giới nhìn nhận đúng để đưa vào nghiên cứu cũng như phổ biến trong điều trị. Hãy cùng Bách Khoa Sức Khỏe tìm hiểu thêm về liệu pháp tuyệt vời này.

Thủy liệu pháp là gì?

Phải đến những năm đầu thế kỷ 20, ông Sebastian Kneipp, nhà khoa học Đức, người đã dành rất nhiều thời gian, công sức cũng như tiền bạc đầu tư vào việc nghiên cứu thủy liệu pháp khẳng định rằng: “Nếu sử dụng đúng cách giữa nước và thảo dược đều có thể chữa trị được tất cả bệnh” thì thủy liệu pháp mới thật sự được các nhà khoa học thế giới chú ý và nghiên cứu một cách bài bản.

Là một trong những người chú ý đặc biệt đến thủy liệu pháp, nhà sinh lý học vĩ đại người Nga, Ivan Petrovich Pavlov đã theo dõi quá trình hưng phấn của thần kinh trong khi tắm và bơi. Ông thấy nó đúng là có tác dụng kích thích vỏ bán cầu đại não và vì thế thúc đẩy tính tích cực, tinh thần sảng khoái và gợi cảm của các giác quan. Đặc biệt, dưới gốc nhìn của nhà khoa học, ông cũng phát hiện nước một khi tác dụng vào da sẽ mang những ảnh hưởng tích cực đến hệ thống trung ương thần kinh giúp phòng và chữa các bệnh về khớp, phổi, tim mạch...

Các biện pháp thủy trị liệu được cho là có tác dụng tạo thuận lợi đối với các cử động khớp, làm giảm cường độ co cơ cần thiết. Tốt cho người bị bệnh khớp mạn tính, những người bị bại liệt hoặc yếu cơ do bệnh lý thần kinh, giúp phục hồi chức năng khớp, cơ và thần kinh, tăng cường lưu thông máu, do chịu áp lực thay đổi của nước, giúp cho phục hồi chức năng hô hấp và tim mạch, có lợi cho tiêu hóa, giúp thư giãn, giảm stress, dễ đi vào giấc ngủ và ngủ sâu, làm da mịn màng, sáng bóng...

Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Flinder, Úc cũng cho thấy, bệnh nhân viêm khớp mãn tính có thể cải thiện được tình trạng bệnh của mình nếu dùng thủy liệu pháp. Theo đó, nghiên cứu trên 2 nhóm bệnh nhân, các nhà khoa học thấy rằng, nhóm luyện tập trong hồ bơi với 3 lần/tuần đã có thể tập luyện với cường độ lớn hơn mà không cảm thấy đau đớn nhiều và sau một thời gian đã có thể dịch chuyển được phần cơ chân và hông bị đau cũng như có thể đi bộ trở lại.

Chữa bệnh bằng nước

Trao đổi với Bách Khoa Sức Khỏe, BS. Đinh Quang Thanh (Trưởng khoa Vật lý Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Điều dưỡng- Phục hồi Chức năng- Điều trị bệnh nghề nghiệp) cho biết, thủy trị liệu được xếp vào một trong nhiều phương pháp điều trị bệnh bao gồm: vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, điện trị liệu, tâm lý trị liệu và thủy trị liệu.

Thủy trị liệu là một trong những biện pháp của vật lý trị liệu - phục hồi chức năng dưới hình thức sử dụng lực tác động của nước để massage, điều hòa hệ thống tuần hoàn cho mạch máu, thần kinh của cơ thể, tạo cho bệnh nhân cảm giác sảng khoái, rất tốt dành cho các bệnh nhân bị viêm khớp, rối loạn tuần hoàn não, các bệnh viêm thần kinh ngoại biên...

4 yếu tố sau tác dụng trong thủy trị liệu:

1. Yếu tố lực đẩy và áp suất: Đây là các yếu tố đặc trưng của nước mà các phương pháp vật lý khác không có, được áp dụng để vận động trị liệu trong nước.

2. Yếu tố nhiệt: Nước có thể được dùng để tăng hay giảm nhiệt độ.

- Nước nóng cục bộ: có tác dụng như các phương pháp nhiệt trị liệu khác.

- Dùng nước nóng toàn thân: có tác dụng tăng tiết mồ hôi, tăng tuần hoàn ngoại vi làm giảm huyết áp, giảm kích thích thần kinh…

- Nước lạnh: có tác dụng trái ngược với nước nóng.

- Nóng lạnh xen kẽ: sự biến đổi đột ngột và sâu sác của nhiệt độ có khả năng kích thích các thần kinh và cơ.

3. Yếu tố cơ học: Dùng dòng nước luân chuyển tác động lên da có tác dụng kích thích các thụ cảm thể giống như sự xoa bóp, làm giảm đau và giãn cơ. Ngoài ra, dòng nước luân chuyển còn làm mềm và bong các lớp mô chết và các chất dịch khô phủ trên các vết thương.

4. Yếu tố hóa học: Thành phần hóa học của các chất hòa tan trong nước cũng là một yếu tố quan trọng trong thủy trị liệu. Các thành phần này có thể là tự nhiên (trong nước khoáng thiên nhiên), hay nhân tạo (được pha thêm vào phù hợp với mục đích điều trị).

Một số phương pháp thủy trị liệu

- Tắm bồn thảo dược: Nước kết hợp với bạch đàn hương, khương hoàng, ngọc trúc, oải hương… liệu pháp này sẽ giúp đào thải độc tố ra khỏi cơ thể, tăng khả năng tuần hoàn máu, giảm đau nhức cơ, làm dịu giác quan và minh mẫn trí óc, da dẻ hồng hào.

- Liệu pháp Thalassa: Nước tắm được kết hợp giữa nước và tảo biển, nhằm thúc đẩy quá trình trao đổi chất và giảm trọng lượng cơ thể đáng kể. Không chỉ cải thiện, lưu thông máu, chữa lành những vùng tổn thương...

- Tắm bùn sa khoáng: Làn da sẽ trở nên mềm mượt và láng mịn hơn nhờ những khoáng chất có khả năng trị liệu tốt cho da phát huy trong quá trình thủy liệu pháp, giúp giãn nở các mạch máu li ti, kích thích quá trình trao đổi chất trong cơ thể, điều tiết các tuyến nội tiết, hạn chế các bệnh ngoài da.

- Tắm thủy lực: Những tia nước mát có khả năng kích thích các huyệt đạo, tăng cường tuần hoàn máu và làm săn chắc các vùng cơ một cách tự nhiên nhất. Áp lực từ các vòi trong bồn sục kết hợp với khí tạo ra những luồng lực tác động massage lên các phần của cơ thể giúp giảm thiểu sự căng cứng cơ.

- Ngâm chân: vào nước nóng từ 10-30 phút, thêm nước để giữ nhiệt độ, rửa lại bằng nước lạnh. Ngâm chân giúp đổi hướng lưu thông máu từ những vùng có vấn đề, việc ngâm chân giúp máu lưu thông ở não và ngực, thậm chí chữa cả chuột rút, giảm viêm sưng.

- Chườm nóng lạnh: Bắt đầu chườm nóng 3-4 phút rồi đến lạnh 30-60 giây trong 5 lần, lần chườm cuối cùng là lạnh. Phương pháp này giúp kích thích tuần hoàn máu, chữa bong gân, tổn thương cơ và khớp.

Theo suckhoegiadinh.com.vn

Đầu trang
ke toan thanh hoa