Không được lơ là với 5 loại virus gây viêm gan cực kỳ đáng sợ sau đây
12:00 AM | 19/10/2023
Dựa trên thống kê của Hội Gan mật Việt Nam, hằng năm nước ta hiện đang có hơn 20% dân số mắc tình trạng viêm gan. Điều đáng lo là viêm gan được đánh giá là rất nguy hiểm, bởi chúng có thể cấu thành xơ gan hoặc ung thư gan nếu không được điều trị đúng cách. Và theo các chuyên gia sức khỏe, viêm gan thường bắt nguồn bởi 5 loại virus sau đây.
- Buổi sáng là thời kỳ vàng để nuôi dưỡng gan: Ăn 3 loại này để bảo vệ gan
- WHO cảnh báo viêm gan B và C đang là nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh ở các cặp vợ chồng
- Xơ gan có chữa được không? Đâu là nguyên nhân gây bệnh và cách phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này?
- Một tách cà phê buổi sáng giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh gan
- Không rượu bia, thuốc lá, nữ giáo viên trẻ vẫn mắc ung thư gan: lý do là duy trì 2 thói quen này thường xuyên
Y văn cho biết, viêm gan chính là tình trạng các tế bào gan bị tổn thương và viêm nhiễm trong mô gan. Quá trình viêm gan diễn ra thầm lặng, thường không có triệu chứng cụ thể ở giai đoạn đầu mà chỉ khi bệnh đã nặng người bệnh mới phát hiện. Điều đó khiến cho người bệnh khó có thể chủ động trong việc phát hiện và điều trị bệnh.
Thực tế thì có không ít nguyên nhân dẫn đến bệnh xơ gan, nhưng yếu tố phổ biến nhất hiện này thường là do nhiễm phải các loại virus gây viêm gan. Các bác sĩ chuyên khoa Gan - mật khẳng định, viêm gan do nhiễm virus có tỷ lệ mắc và tử vong cao, nhất là ở trẻ nhỏ, gây gánh nặng bệnh tật rất lớn cho cộng đồng, bởi bệnh có thể gây suy giảm chức năng gan, xơ gan hoặc ung thư gan nếu không được kiểm soát.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ước tính rằng mỗi năm có khoảng 1,1 triệu người tử vong liên quan đến viêm gan do virus, biến chúng trở thành căn bệnh có tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ ba trong số các nguyên nhân do bệnh truyền nhiễm gây ra (Ảnh: Internet)
5 nhóm virus gây viêm gan mọi người cần đề phòng
1. Viêm gan A
Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ khẳng định, virus viêm gan A (HAV) được lây truyền qua thức ăn, nước uống hoặc các bề mặt đã bị nhiễm phân của người bị bệnh. Viêm gan A có thể tồn tại bên ngoài cơ thể trong nhiều tháng trong nước và vài ngày trong phân. Nó cũng có thể tồn tại trên tay đến 4 giờ theo nghiên cứu của nhóm tác giả trường Y Harvard (Mỹ).
Bên cạnh đó, theo Bộ Y tế, các đợt dịch viêm gan cấp tính do virus viêm gan A vẫn xảy ra ở Việt Nam. Tuy nhiên, do xét nghiệm virus viêm gan A không sẵn có ở nhiều cơ sở y tế nên khó phát hiện các trường hợp nhiễm bệnh.
Virus viêm gan A rất dễ lây lan nên cần tiêm vaccine để phòng ngừa. Vaccine viêm gan A là một trong những mũi tiêm theo lịch định kỳ cho trẻ sơ sinh, có thể cho khả năng miễn dịch từ 14 đến 20 năm (Ảnh: Internet)
Ngoài ra còn có một loại vaccine phòng bệnh viêm gan A và B cho người lớn từ 18 tuổi trở lên, có hiệu quả đến 25 năm.
2. Viêm gan B
Virus viêm gan B (HBV) được lây truyền qua máu, tinh dịch hoặc các chất dịch khác trong cơ thể của người bị nhiễm bệnh, thông qua quan hệ tình dục hoặc dùng chung đường kim tiêm. Viêm gan B có thể tồn tại đến một tuần bên ngoài cơ thể con người - theo báo cáo của Cơ quan Quản lý Dịch vụ sức khỏe tâm thần và lạm dụng chất gây nghiện (Mỹ).
Việt Nam là nước thuộc vùng có tỷ lệ lưu hành bệnh viêm gan B cao (khoảng 10 - 20%). Đặc biệt, tỷ lệ mang virus viêm gan B ở phụ nữ có thai là 10 - 16% và ở trẻ em là 2 - 6%.
Virus viêm gan B có thể lây truyền từ mẹ sang con, nên phụ nữ cần chú ý tiêm phòng đầy đủ nhằm tránh nguy cơ mắc bệnh này trước khi mang thai (Ảnh: Internet)
Người lớn, trẻ em cần tiêm vaccine viêm gan B để phòng bệnh. Ngoài ra, bao cao su giúp ngăn ngừa sự lây lan của viêm gan B với bạn tình khi tham gia quan hệ tình dục, đặc biệt không sử dụng chung kim tiêm cùng người khác.
3. Viêm gan C
Cũng giống như virus viêm gan B, virus viêm gan C (HCV) được lây truyền qua máu, tinh dịch, các chất dịch cơ thể khác và dùng chung kim tiêm. Nó có thể sống bên ngoài cơ thể ít nhất 16 giờ và tối đa bốn ngày.
Đến hiện tại vẫn chưa có vaccine chủng ngừa viêm gan C nhưng nguy cơ lây truyền HCV có thể được giảm thiểu bằng cách quan hệ tình dục an toàn (luôn sử dụng bao cao su). Những người sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch thì không bao giờ dùng chung hoặc mượn kim tiêm đã qua sử dụng.
4. Viêm gan D
Con đường lây truyền chính của bệnh viêm gan D (HDV) là tiếp xúc với máu bị nhiễm bệnh, bên cạnh đó, virus viêm gan D có khả năng sống bên ngoài cơ thể lên đến một tuần. Tuy nhiên, viêm gan D chỉ có thể tồn tại khi có viêm gan B, vì vậy, để ngăn ngừa lây truyền HDV thì cần thực hiện các biện pháp để ngăn ngừa lây truyền HBV, bao gồm cả việc chủng ngừa viêm gan B.
5. Viêm gan E
Virus viêm gan E (HEV) có thể lây nhiễm từ nguồn nước, chất dịch cơ thể và các bề mặt bị nhiễm phân của người bị nhiễm bệnh. Không rõ khoảng thời gian chính xác virus viêm gan E có thể tồn tại bên ngoài cơ thể nhưng nó được cho là tương đương với thời gian của virus viêm gan A (vài tháng trong nước và phân, tối đa bốn giờ trên tay). Virus E là có xác suất gây bệnh rất thấp, thường không dẫn đến bệnh mạn tính và có thể khỏi trong vòng bốn đến sáu tuần. Chính vì vậy, hiện nay vẫn chưa có vaccine phòng viêm gan E.
Tiêm phòng vaccine đầy đủ chính là cách tốt nhất để phòng ngừa các nhóm virus viêm gan. Bên cạnh đó, ngoài việc tiêm vaccine, các biện pháp khác cần thực hiện để phòng bệnh gồm đun sôi hoặc nấu chín thức ăn hoặc chất lỏng cần tiêu thụ trong ít nhất một phút 85 độ C để tiêu diệt virus, quan hệ tình dục an toàn và hạn chế sử dụng chung vật dụng cá nhân. Người lớn, trẻ nhỏ nên rửa tay thường xuyên, nhất là sau khi đi vệ sinh tại khu vực công cộng.
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin