2 lầm tưởng của cha mẹ về virus RSV khiến trẻ đối mặt với nguy hiểm khi mắc bệnh
12:00 AM | 21/03/2023
Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tính từ tháng 1 - 3/2023, bệnh viện tiếp nhận hơn 1.025 trẻ đến khám hô hấp do mắc virus RSV. Trong đó, tỷ lệ trẻ gặp biến chứng nặng, phải nhập viện, thở máy đang gia tăng rất nhanh.
- Mẫu giáo là giai đoạn quan trọng đối với sự phát triển trí não và phát triển các kỹ năng thể chất của trẻ
- Trẻ bị biếng ăn do tiêu chảy, nhiều cha mẹ lạm dụng men tiêu hoá để giải quyết vấn đề
- Với trẻ em không chỉ là giấc ngủ, giờ đi ngủ cũng rất quan trọng mà cha mẹ cần lưu ý
- Những đứa trẻ hay bị anh chị em bắt nạt dễ mắc các vấn đề sức khỏe tinh thần và thể chất kém hơn khi lớn lên
- Tại sao khám sàng lọc thính lực là bắt buộc đối với trẻ sơ sinh?
Theo y văn, virus RSV (Respiratory Syncytial Virus - hay còn được gọi là virus hợp bào hô hấp) là căn nguyên gây ra các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như: viêm mũi họng, viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi,…
Virus RSV xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh thông qua đường mắt, mũi hoặc miệng, do nó dễ dàng lây lan trong không khí thông qua các giọt bắn mang mầm bệnh do người bệnh phát tán ra. Như vậy, trẻ nhỏ có khả năng bị nhiễm RSV nếu không may bị người mang virus này ho hoặc hắt hơi trúng. Bên cạnh đó, virus RSV có thể truyền sang người qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp, chẳng hạn như bắt tay với người bệnh hay chạm vào bề mặt cứng có mầm bệnh, nên trẻ cũng có thể mắc bệnh nếu tiếp xúc với người, nơi hoặc đồ vật có chứa virus.
Về cơ bản, triệu chứng khi nhiễm virus RSV không nghiêm trọng và mức độ nguy hiểm không cao, nhưng nếu không được điều trị đúng cách, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như: viêm tai giữa, hen suyễn, suy hô hấp, xẹp phổi, tràn khí màng phổi, ứ khí phổi,... Mà thông thường, để cho bệnh từ nhẹ chuyển sang nặng khi nhiễm virus RSV ở trẻ đều bắt nguồn từ 2 lầm tưởng sau đây của nhiều bậc phụ huynh về loại virus này.
2 lầm tưởng của nhiều cha mẹ về virus RSV khiến bệnh của trẻ tăng nặng
1. Chủ quan nghĩ con mình không nằm trong nhóm nguy cơ
Khi nói đến những đối tượng có thể nhiễm virus RSV, các chuyên gia sức khỏe đã chia thành 2 nhóm, gồm: đối tượng nguy cơ cao (trẻ sinh non, trẻ dưới 3 tuổi, trẻ nhỏ hoặc người cao tuổi có hệ miễn dịch yếu/ có bệnh nền như: tim, phổi, hen suyễn,... ) và đối tượng nguy cơ thấp (trẻ trên 3 tuổi, trẻ có sức khỏe ổn định, người trưởng thành,... ). Từ điều này mà có rất nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ thuộc nhóm đối tượng nguy cơ thấp tỏ thái độ chủ quan với bệnh, vì cho rằng “con mình sẽ không mắc bệnh” hoặc khi mắc bệnh thì “sẽ không nghiêm trọng đâu”.
Thực tế, từ việc chủ quan trong phòng - chữa bệnh của nhiều cha mẹ mà tỷ lệ trẻ nhập viện, buộc phải thở máy vì suy hô hấp đang không ngừng gia tăng, gồm cả 2 nhóm đối tượng. Các bác sĩ nhi khoa đưa ra cảnh cáo, các bậc phụ huynh đều bắt buộc phải phòng bệnh cho con mình bất kể trẻ có nằm trong nhóm nguy cơ cao hay không. Vì virus RSV rất dễ lây lan trong không khí thông qua các giọt bắn của người bệnh, và có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể qua mắt, mũi, miệng. Cùng với đó là thời gian ủ bệnh từ 7 - 10 ngày kèm những triệu chứng ho, sổ mũi,... giống cảm lạnh nên rất khó nhận biết. Nếu không phòng bệnh để bệnh lây lan, gặp thêm sự chủ quan của cha mẹ sẽ có thể khiến trẻ gặp nguy hiểm.
Các bậc phụ huynh tuyệt đối không xem thường sự nguy hiểm của virus RSV. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), virus RSV gây ra khoảng 33 triệu ca nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng, dẫn đến hơn 3 triệu ca nhập viện và gần 60.000 ca tử vong ở trẻ em mỗi năm (Ảnh: Internet)
2. Bệnh hô hấp do virus RSV cũng giống các bệnh cảm thông thường
Đây chính xác là một suy nghĩ cực sai lầm, buộc các bậc phụ huynh phải chú ý để bảo vệ sức khỏe của con em mình. Như đã nói, cơ bản thì virus RSV không nguy hiểm và không gây bệnh nặng. Ở giai đoạn đầu khởi phát, triệu chứng của bệnh có thể giống với các bệnh cảm thông thường, như: ho, chán ăn, sổ mũi nước trong hoặc nghẹt mũi.
Tuy nhiên, bệnh cảm có thể khỏi sau 5 - 7 ngày nếu có uống thuốc kháng sinh và sau 2 tuần nếu chỉ thực hiện các biện pháp thông thường, còn nhiễm virus RSV sẽ không đáp ứng kháng sinh thường (chỉ có tác dụng với vi khuẩn nhưng sẽ không hiệu quả với virus). Vì thế, nếu không trị đúng cách và kịp thời, bệnh sẽ diễn tiến sang giai đoạn nặng hơn và làm xuất hiện các triệu chứng như: sốt cao, ho dữ dội, thở khò khè lõm ngực, bỏ bú, tím tái, hoặc có cơn ngừng thở,... Đó chính là biến chứng suy hô hấp, xảy ra khi virus đi vào cơ thể qua đường mũi gây viêm niêm mạc mũi, tiết dịch mũi đặc dính làm bít tắc đường thở. Còn khi virus đi qua tiểu phế quản và các phế nang làm tổn thương phế nang, ứ khí sẽ làm viêm phổi, nếu không cấp cứu kịp sẽ dẫn đến hoại tử tế bào đường hô hấp gây tử vong.
Cha mẹ cần cẩn trọng và theo dõi sát sao dù con chỉ có những biểu hiện giống cảm lạnh. Nếu có nghi ngờ trẻ nhiễm RSV, phụ huynh cần lập tức đưa con đi khám để được xác định mức độ bệnh và cách điều trị phù hợp. Tuyệt đối không tự ý sử dụng kháng sinh, tránh phá hủy đề kháng tự nhiên của trẻ, thậm chí gây hại ngược lại cho trẻ (Ảnh: Internet)
Cha mẹ cần làm gì để phòng ngừa viêm nhiễm virus RSV cho trẻ?
Hiện nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh RSV, nên cha mẹ cần phải chủ động phòng ngừa bệnh cho trẻ bằng những việc sau đây:
1. Tạo thói quen rửa tay cho con
Virus luôn có mặt trong không khí và các bề mặt nên trẻ sẽ rất dễ bị lây nhiễm nếu không may chạm tay vào các vật dụng có chứa chúng. Do đó, cha mẹ nên rèn luyện cho con thói quen rửa tay sau mỗi một lần đụng phải một vật lạ gì đó, hoặc trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Với những trẻ nhỏ chưa thể tự rửa tay, cha mẹ cần phải vệ sinh tay trẻ thường xuyên bằng nước ấm và lau khô bằng khăn riêng của trẻ. Cần hạn chế trẻ đưa tay hoặc cho đồ vật lạ vào miệng.
2. Đeo khẩu trang
Bệnh truyền nhiễm và hô hấp đang có diễn biến phức tạp, nên cha mẹ cần nhắc nhở con trẻ hãy thường xuyên đeo khẩu trang kể cả khi đang ở trong lớp học hay nơi đông người như: sân chơi, canteen, các khu vực sảnh chung,... vì nó sẽ giúp ngăn virus RSV có trong không khí hoặc giọt bắn xâm nhập vào đường hô hấp.
Cha mẹ nên lựa chọn cho con những loại khẩu trang có độ dày hợp lý cùng với chất lượng tốt, để vừa giúp con dễ thở nhưng vẫn bảo đảm an toàn (Ảnh: Internet)
Với những trẻ sơ sinh chưa thể đeo khẩu trang, cha mẹ cần chuẩn bị những loại khăn voan che mặt, hoặc để trẻ nép mặt vào ngực mẹ mỗi khi ra ngoài. Việc này sẽ giúp hạn chế mọi nguy cơ mắc bệnh cho trẻ.
3. Giữ khoảng cách an toàn với mọi người
Các loại bệnh hô hấp và truyền nhiễm có thể lây lan thông qua sự tiếp xúc gần giữa người với người. Do đó, cha mẹ nên nhắc nhở con cần giữ một khoảng cách cố định từ 1 - 2 gang tay (1,5m) với người đối diện để tránh bị lây nhiễm. Đặc biệt, hạn chế tiếp xúc với những ai có các biểu hiện: sốt, ho, hắt hơi liên tục hay nổi các mụn nước li ti trên người.
4. Dinh dưỡng đầy đủ, thường xuyên vận động
Không chỉ dạy trẻ những kiến thức, kỹ năng giúp tránh bệnh, gia đình cần đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ thật tốt. Bởi một hệ miễn dịch khỏe mạnh giúp con phát triển tốt nhất, chống lại sự xâm nhập và gây bệnh của virus RSV (và cả những bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp khác).
- Cha mẹ cần đảm bảo các bữa ăn hàng ngày của trẻ phải có đủ 4 nhóm thực phẩm: tinh bột (cơm, bánh mì, nui, cháo,... ), chất đạm (thịt đỏ, hải sản, trứng, gan, các loại đậu,... ), chất béo (bơ, các loại cá béo, dầu thực vật,... ), vitamin và khoáng chất thiết yếu (trái cây, rau củ, sữa và các chế phẩm từ sữa,... ) để giúp cân bằng dinh dưỡng, tăng cường sức khỏe cho con. Ngoài ra, không nên cho trẻ dùng nhiều các loại thực phẩm như nước ngọt, nước có gas, bánh kẹo ngọt, thức ăn nhanh,…
- Khuyến khích trẻ tham gia các loại hình vận động để nâng cao thể chất, thông qua việc bơi lội, đạp xe, chạy bộ,...
- Nhắc nhở con uống nước thường xuyên, tránh tình trạng mất nước xảy ra.
5. Khám tổng quát cho trẻ thường xuyên
Việc khám tổng quát thường xuyên sẽ giúp phát hiện sớm các bệnh lý thường gặp như tiêu hóa, hô hấp,... nhờ đó có thể tầm soát bệnh và điều trị kịp thời, phòng tránh những di chứng nguy hiểm do bệnh gây ra. Bên cạnh đó, khi khám tổng quát, cha mẹ sẽ được bác sĩ tư vấn về cách chăm sóc cho trẻ, tạo dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý để trẻ luôn khỏe mạnh.
Trên đây là 2 lầm tưởng của nhiều cha mẹ về virus RSV có thể khiến trẻ gặp biến chứng nghiêm trọng khi mắc bệnh. Nếu đã thấy được được sự nguy hiểm của loại virus này, cha mẹ tuyệt đối không chủ quan mà cần làm mọi cách để phòng bệnh cho con, bằng cách thực hiện theo những điều đã được chia sẻ ở trên nhé.
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin