Trẻ bị biếng ăn do tiêu chảy, nhiều cha mẹ lạm dụng men tiêu hoá để giải quyết vấn đề
12:00 AM | 20/07/2022
Mùa hè được xem là thời điểm lý tưởng để nhiều virus, vi khuẩn gây hại sinh sôi và tấn công cơ thể ta. Trong đó, hệ tiêu hoá là cơ quan bị ảnh hưởng phần lớn, dẫn đến nhiều bệnh tật. Nhưng phổ biến nhất vẫn là tình trạng tiêu chảy, thường xảy ra ở nhóm trẻ em.
- Thông tin mới nhất về bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em không rõ nguyên nhân
- Với trẻ em không chỉ là giấc ngủ, giờ đi ngủ cũng rất quan trọng mà cha mẹ cần lưu ý
- Bác sĩ nhi khoa khuyên phụ huynh tránh mua đồ chơi có nam châm cho trẻ vào dịp Giáng sinh
- Những đứa trẻ hay bị anh chị em bắt nạt dễ mắc các vấn đề sức khỏe tinh thần và thể chất kém hơn khi lớn lên
- Tại sao khám sàng lọc thính lực là bắt buộc đối với trẻ sơ sinh?
Theo đó, lứa tuổi dễ mắc tình trạng này nhất là nhóm trẻ em dưới 5 tuổi bởi khi này hệ miễn dịch và đề kháng của trẻ chưa được hoàn thiện, khả năng chống chọi với các tác nhân gây bệnh còn yếu. Bệnh tiêu chảy được ghi nhận là lây qua đường phân hoặc đường miệng, trong đó, nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do các virus rota và vi khuẩn E.coli.
Khi mắc bệnh, trẻ sẽ đi ngoài phân lỏng, có mùi hôi tanh với tần suất trên 4 ngày/ lần. Việc đi ngoài liên tục như vậy có thể khiến trẻ bị mất nước và điện giải, suy nhược và biếng ăn do mất cảm giác ngon miệng. Do 70% trọng lượng cơ thể ta là nước, nên nếu cơ thể không đủ nước thì chức năng chuyển hóa và tuần hoàn sẽ bị ảnh hưởng. Khi máu đến dạ dày giảm thì cơ chế hấp thu và bài tiết enzyme tiêu hóa cũng giảm, gây ra tình trạng chán ăn.
Lúc này, cơ thể không hấp thụ thực phẩm sẽ dẫn đến tình trạng dinh dưỡng kém, cơ thể sẽ bị suy kiệt và tạo ra một vòng xoắn bệnh lý: tiêu chảy - giảm hấp thu - cơ thể suy kiệt - giảm khả năng miễn dịch và gây ảnh hưởng đến khả năng phát triển của trẻ (Ảnh: Internet) |
Nhiều cha mẹ lạm dụng men tiêu hoá để giải quyết tình trạng biếng ăn của trẻ
Các bác sĩ nhi khoa cho biết, vốn dĩ bình thường nếu muốn cho trẻ dùng men tiêu hoá thì các họ cũng phải nắm rõ được tình trạng sức khoẻ của trẻ để biết có thích hợp dùng thuốc hay không, và thường chỉ cho trẻ uống theo một liều lượng nhất định vì loại men tiêu hoá này có thể gây ra một số tác dụng phụ nguy hiểm.
Thế nhưng hiện nay, có rất nhiều cha mẹ thấy con mình bị tiêu chảy và biếng ăn đã tự ý mua men tiêu hoá cho con dùng. Thậm chí, có một số phụ huynh còn thản nhiên nghĩ là: “men tiêu hoá không độc hại gì, cứ cho trẻ uống đến khi nào trẻ ăn ngon trở lại”. Hoặc có một số cha mẹ “mua đại” theo lời khuyên của nhiều người mà không hề phân biệt được tình trạng của con mình nên dùng men tiêu hoá hay men vi sinh, và cho rằng “men nào cũng như men nào, cho trẻ uống để trẻ ăn ngon hơn, đơn giản vậy thôi”. Việc người lớn tự ý mua thuốc, hoặc lạm dụng thuốc để điều trị tiêu chảy và giúp trẻ ăn ngon hơn mà không rõ nên dùng loại nào là một hành động nguy hiểm, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ cũng như hệ tiêu hoá của con em.
BS. Tạ Duy Tùng - Viện Y học Ứng dụng Việt Nam - cho biết, mọi cha mẹ không nên tự ý mua men cho con uống nếu chưa nắm rõ tình trạng sức khoẻ của con, bởi vì men tiêu hoá và men vi sinh là hai loại khác nhau, có cách sử dụng khác nhau. Theo đó:
Đối với men tiêu hoá, trừ những trẻ có những tổn thương tiêu hoá bẩm sinh thì phải dùng lâu dài. Còn với những trẻ gặp vấn đề tiêu hoá do các bệnh lý cấp tính chỉ được dùng men tiêu hoá theo đợt, tối đa là 1 - 2 tuần.
Việc cha mẹ lạm dụng men tiêu hoá cho con sẽ làm các tuyến tiêu hóa bị ức chế, giảm bài tiết men tiêu hóa và dẫn đến ảnh hưởng chức năng sinh lý bình thường của các cơ quan. Lâu dần, cơ thể con sẽ phải phụ thuộc suốt đời vào men tiêu hóa.
Đối với men vi sinh, chỉ được sử dụng trong những trường hợp bệnh nhân dùng kháng sinh kéo dài hoặc khi trẻ được chẩn đoán bị tiêu chảy do virus gây ra. Trong trường hợp trẻ bị tiêu chảy cấp và biếng ăn, các bác sĩ thường yêu cầu dùng men vi sinh nhiều hơn là men tiêu hoá.
Tuy nhiên, khi thấy con bị tiêu chảy, cha mẹ vẫn phải đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được thăm khám chính xác và kê đơn loại thuốc phù hợp nhất, chứ không tự ý mua men cho con để điều trị tiêu chảy và giúp con ăn ngon miệng. Vì điều này có thể gây hại sức khoẻ của trẻ (Ảnh: Internet) |
Nếu cha mẹ xót con biếng ăn có thể khiến sức khoẻ suy giảm, thì tốt nhất vẫn nên sử dụng các biện pháp tự nhiên giúp trẻ ăn ngon hơn. Để giải quyết vấn đề đau đầu này của nhiều phụ huynh, các bác sĩ đã đưa ra một số lời khuyên sau đây.
4 lưu ý giúp cải thiện tình trạng biếng ăn cho trẻ khi bị tiêu chảy
1. Ưu tiên bù nước cho trẻ
Với trẻ bị tiêu chảy, ưu tiên số một là bù nước. Cứ sau mỗi lần đi tiêu, phải cho trẻ uống bù nước ngay. Loại nước thích hợp để bù nước cho trẻ là nước cháo loãng, hoặc nước uống hằng ngày.
Bên cạnh đó, cha mẹ có thể cho con dùng hỗn hợp Oresol. Hoà tan dung dịch này với 1L nước để uống dần. Tuy nhiên, sau 24h cần phải bỏ đi không cho trẻ uống tiếp.
2. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ
- Đối với trẻ dưới 6 tháng còn đang bú mẹ: Tiếp tục cho bú bình thường và tăng số lần bú. Vì sữa mẹ vẫn được dung nạp rất tốt khi bị tiêu chảy. Thậm chí khi trẻ bú mẹ thì tiêu chảy ít hơn, nhanh khỏi hơn, do sữa mẹ có chứa đường Lactoza nên vẫn được hấp thu rất tốt khi bị tiêu chảy.
- Đối với trẻ trên 6 tháng: Ngoài việc bú sữa mẹ, cha mẹ nên cho trẻ ăn những thực phẩm mềm, dễ tiêu hoá như cháo (cháo thịt gà băm nhỏ có tác dụng tốt trong quá trình điều trị tiêu chảy), súp, các món ninh, hầm nhừ, cơm nhão. Cha mẹ cũng nên cho trẻ ăn nhiều trái cây: chuối, cam, xoài, hồng xiêm để tăng lượng kali.
Ngoài ra, nếu có thể thay đổi các món ăn liên tục để tăng hấp dẫn, tạo sự thèm ăn cho con thì càng tốt vì trong thời gian này trẻ sẽ rất nhanh chán.
Hạn chế các loại thức ăn chứa nhiều đường như bánh, kẹo, hoặc nước giải khát công nghiệp vì nó có thể làm tăng áp lực thẩm thấu trong lòng ruột kéo nước trong tế bào vào lòng ruột, khiến tình trạng tiêu chảy kéo dài hơn (Ảnh: Internet) |
3. Lưu ý vấn đề vệ sinh khi chế biến thức ăn cho trẻ
Khi chế biến thức ăn cho trẻ cần rửa sạch tay nhằm đảm bảo vệ sinh. Các dụng cụ như bát, đũa, cốc, chén, muôi, thìa… sau khi rửa sạch bằng nước bình thường cần được phải tiệt trùng bằng nước sôi một lần nữa trước bữa ăn.
Bên cạnh đó, thức ăn cần nấu kỹ, cho ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh và giảm nguy cơ bội nhiễm. Đối với thức ăn đã nấu sẵn thì cần phải đun nóng lại trước khi cho ăn.
4. Chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày cho trẻ
Cha mẹ nên khuyến khích trẻ ăn càng nhiều càng tốt, có thể chia thành 6 bữa nhỏ /ngày hoặc nhiều hơn. Sau khi khỏi tiêu chảy, để giúp cho trẻ hồi phục nhanh và tránh bị suy dinh dưỡng, cần cho trẻ ăn thêm mỗi ngày 1 bữa trong 2 tuần liền.
Tốt hơn hết khi trẻ bị tiêu chảy, các bậc phụ huynh cần nên đưa ngay đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám và kê đơn thuốc phù hợp. Ngoài ra là tư vấn và hướng dẫn các cách để cải thiện tình trạng biếng ăn ở trẻ. Tuyệt đối không tự ý sử dụng, lạm dụng men tiêu hoá nhằm tránh ảnh hưởng sức khoẻ con em mình.
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin
Nhiều vấn đề về sức khỏe nảy sinh từ cuộc sống thường ngày. Tìm hiểu ngay để tìm hiểu rõ nguyên nhân và cách phòng bệnh
Tìm hiểu ngay