Những sai lầm nghiêm trọng mà phụ huynh cần tránh khi chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết
8:00 PM | 19/09/2019
Giữa lúc sốt xuất huyết vẫn gia tăng, các bậc cha mẹ cần chú ý tránh những sai lầm thường dễ mắc phải trong việc phòng và điều trị bệnh cho trẻ để không gặp phải các biến chứng đáng tiếc.
- 20 cách HẠ SỐT cho trẻ hiệu quả không cần dùng thuốc
- Bệnh sốt phát ban ở trẻ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị tốt nhất
- Sốt xuất huyết: Tuyệt đối tránh những thức ăn này
- Đừng để mất con vì sốt xuất huyết
Dịch sốt xuất huyết 2019 hiện vẫn đang xảy ra khá phổ biến tại một số địa phương, những biểu hiện lâm sàng khá đa dạng và tỷ lệ diễn biến nặng cao. Sốt xuất huyết là căn bệnh mà mọi người đều có thể mắc phải, nhưng hay gặp nhất là trẻ nhỏ, nếu không biết cách phát hiện sớm, theo dõi và chăm sóc điều trị đúng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Hằng năm, số ca tử vong ở trẻ nhỏ tăng lên vì căn bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em đã và đang trở thành mối lo của nhiều phụ huynh. Đặc biệt, nhiều bậc cha mẹ có con đầu lòng thường lúng túng nên có những xử trí không đúng khi con bị sốt xuất huyết. Giữa lúc sốt xuất huyết vẫn gia tăng, các bậc cha mẹ cần chú ý tránh những sai lầm trong phòng và điều trị bệnh cho trẻ để không gặp phải các biến chứng đáng tiếc.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), sai lầm phổ biến là khi trẻ bị sốt, các mẹ thường rất bối rối và do nóng lòng nên đã tự ý cho dùng thuốc hạ sốt liên tục hơn 4-5 lần mỗi ngày. Việc lạm dụng thuốc này có thể làm tổn thương gan nặng nề, xuất huyết tiêu hóa… Tốt nhất chỉ nên cho bé dùng thuốc hạ sốt theo đúng chỉ định của bác sỹ và dùng khi bé sốt cao trên 38,5oC. Bệnh cạnh đó, nhiều trường hợp cha mẹ cho rằng đặt thuốc hạ sốt ở hậu môn thì không thấm vào cơ thể nên không gây hại gan. Nhưng thực tế thì thuốc vẫn thấm vào máu như thường, nên nếu mẹ cứ đặt thuốc hạ sốt cho trẻ một cách vô tội vạ có thể gây ngộ độc ở trẻ. Cha mẹ cũng tuyệt đối không nên tự ý cho con truyền dịch cho con tại nhà vì truyền dịch sai thời điểm, lạm dụng truyền dịch có thể gây phù nề, suy hô hấp và nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Việc truyền dịch chỉ nên được thực hiện tại các bệnh viện, cơ sở y tế đảm bảo, dưới sự chỉ định của bác sỹ.
Theo khảo sát, đa số phụ huynh khi thấy con bị sốt, do sợ con lạnh nên đã vội vàng mặc thêm rất nhiều áo quần cho con. Đây là việc làm sai lầm, vì khiến thân nhiệt của bé càng tăng cao và có thể gây co giật. Việc này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về sau như tổn thương não và động kinh. Đặc biệt, nhớ không được giật tóc, vỗ vào người con khi trẻ đang bị co giật, vì sẽ khiến bé càng bị kích thích, co giật nhiều hơn.
Theo đó, khi trẻ bị sốt, việc đầu tiên mẹ nên làm là hạ sốt nhanh cho trẻ bằng việc cởi bỏ quần áo, dùng thuốc hạ sốt, lau mát hạ sốt cho bé, cho trẻ uống nhiều nước để tránh mất nước. Có thể cho trẻ mặc đồ mỏng, nằm nơi thoáng mát, chườm khăn có thấm nước vào trán, nách... cho bé để hạ sốt từ từ.
Chú ý, 1 trong những cách hạ sốt tồi tệ nhất mà phụ huynh hay dùng nhất là lấy nước đá bỏ trong túi nilon hay khăn vải để chườm trán cho bé. Tuy nhiên, theo các chuyên gia khuyến cáo, biện pháp vật lý này chỉ có tác dụng hạ sốt tức thời mà thôi. Cách này không những không làm bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em thuyên giảm mà còn khiến cơ thể trẻ mệt mỏi hơn và có khi còn gây biến chứng, nhiễm lạnh.
Cũng có không ít gia đình khi thấy con xuất hiện những vết bầm còn tiến hành những cách trị bệnh hoàn toàn không có cơ sở khoa học như cắt lễ để lấy bớt máu độc. Tuy nhiên hành động này hoàn toàn không có tác dụng mà thậm chí dễ dẫn đến hiện tượng chảy máu không cầm. Đồng thời, tạo điều kiện cho vi trùng xâm nhập, có thể gây rối loạn đông máu, nhiễm trùng và bầm tím.
Một trong những cách truyền thống sai lầm khác cũng nhiều người thường sử dụng đó là cạo gió, hay nặn chanh vào miệng trẻ và dùng rượu chà khắp người. Không nên áp dụng những cách để trị sốt xuất huyết này ở trẻ em vì bé còn nhỏ, cơ thể rất nhạy cảm. Những tác động bên ngoài như thế này có thể khiến trẻ bị tắc đường thở hoặc ngộ độc. Không những thế, quả chanh có tính axit nên dễ làm cho trẻ bị rộp miệng, phỏng lưỡi, hoặc nghẹt thở.
Đặc biệt, nhiều bà mẹ khi thấy con sốt kèm theo rối loạn tiêu hóa, nôn ói liên tục nên đã cho con nhịn ăn uống, khiến bệnh nhi không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng nên dễ mất sức, một số trường hợp có thể hạ đường huyết, gây co giật.
Phương pháp hữu hiệu nhất là nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu và chia làm nhiều bữa nhỏ. Đồng thời, cho trẻ uống nhiều nước, tốt nhất là uống oresol để bù được cả lượng nước và điện giải đã mất đi. Ngoài ra, có thể uống nước đun sôi để nguội, nước hoa quả (nước cam, chanh). Lưu ý tránh các thức ăn, nước uống có màu đỏ, màu đen vì khó phân biệt với màu máu khi trẻ nôn ói hoặc đi ngoài.
Bên cạnh đó, cũng có một số phụ huynh có tâm lý ngại đi viện. Tuy nhiên, việc làm sai lầm này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Hãy để những người có chuyên môn điều trị và khám cho con thay vì dựa vào kinh nghiệm và tiên đoán của bản thân. Khi thấy trẻ sốt cần đi khám để được chẩn đoán xem trẻ có bị sốt xuất huyết không. Trường hợp nhẹ có thể chăm sóc, điều trị, theo dõi, hạ sốt lau mát trẻ tại nhà. Khi trẻ sốt liên tục trên 2 ngày với các biểu hiện nặng thì phải nhập viện để tránh diễn biến xấu. Đặc biệt, với những trường hợp xuất hiện dấu hiệu cảnh báo nặng như: bứt rứt, lăn lộn, chảy máu cam máu răng, tay chân lạnh, ói ra máu… thì cần nhập viện cấp cứu dù là ban đêm, không nên đợi đến sáng. Nếu để chậm có thể sốc sâu, bất phục hồi, thậm chí dẫn đến tử vong. Ngoài ra, 1 sai lầm thường gặp nữa là nhiều phụ huynh khi thấy con hết sốt thì chủ quan vì nghĩ “hết sốt là hết bệnh” nên không tiếp tục theo dõi. Tuy nhiên, các mẹ cần lưu ý rằng hết sốt cũng rất có thể là lúc bệnh chuyển sang nặng hơn. Bởi bệnh sốt xuất huyết do virus nên thường có hiện tượng sốt đi sốt lại và diễn tiến bất thường. Nếu trẻ hết sốt nhưng vẫn còn biểu hiện bất thường như tay chân lạnh, đau bụng, nôn ói nhiều thì cần theo dõi để đưa trẻ nhập viện cấp cứu kịp thời. Do đó, phụ huynh cần phải luôn chú ý và theo từng biểu hiện của cơ thể con cho đến lúc hết hẳn.
Hà Thanh
Theo tạp chí Sống khỏe
Nhiều vấn đề về sức khỏe nảy sinh từ cuộc sống thường ngày. Tìm hiểu ngay để tìm hiểu rõ nguyên nhân và cách phòng bệnh
Tìm hiểu ngay