Chuyên trang cập nhập những thông tin mới nhất về sức khỏe

Làm sao khi mắc chứng tay chân lạnh?

8:00 AM | 01/01/2020

Không phải tình trạng tay chân lạnh ở mọi người đều giống nhau. Có người gặp tình trạng này do cơ chế thay đổi lưu lượng máu lưu thông để giữ ấm cho các cơ quan quan trọng của cơ thể khi nhiệt độ bên ngoài giảm, có người bị tình trạng này bẩm sinh, cũng có người bị do mắc phải một số bệnh.

Lam sao khi mac chung tay chan lanh?

Cách làm ấm tay và chân

Cân nhắc lựa chọn quần áo: Đội mũ, mang găng tay, vớ ấm và áo ấm trong thời tiết lạnh. Mặc dày để giữ ấm cho các cơ quan trọng yếu, và không mặc quần áo bó sát.

Tập thể dục hàng ngày như đi bộ để cải thiện lưu thông máu.

Làm ấm nhanh: Thực hành bài tập nhảy (Jumping jack); Dậm chân tại chỗ trong khi ngồi; Ngọ nguậy các ngón chân; Xoay cổ chân; Tạo các vòng tròn trong không khí với mỗi ngón tay nếu chúng bắt đầu cứng. Tạo vòng tròn to trong không khí bằng cánh tay của bạn để tăng lưu thông máu.

Di chuyển thường xuyên: Ít nhất mỗi nửa giờ phải đứng dậy để thực hiện các động tác căng cơ hoặc đi bộ.

Sử dụng miếng sưởi cho các khu vực khác nhau trên cơ thể như: lưng dưới, trên bàn chân...

Cầm, giữ vật gì đó như ly nước ấm...

Massage nhanh tay và chân.

Điều gì gây ra tình trạng tay chân lạnh?

Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp:

Thiếu máu

Thiếu máu là tình trạng cơ thể có ít tế bào hồng cầu khỏe mạnh và hoạt động tốt, thường xảy ra do sự thiếu hụt sắt.

Bạn nên:

Xét nghiệm máu để xác định máu của bạn có hàm lượng sắt thấp hay không.

Ăn nhiều thực phẩm giàu chất sắt (như rau lá xanh) và bổ sung sắt.

Bệnh động mạch

Khi các động mạch bị hẹp hoặc bị rối loạn chức năng, lưu lượng máu đến tay và chân sẽ bị giảm. Có một số loại bệnh động mạch có liên quan đến tình trạng tay chân lạnh:

Bệnh động mạch ngoại biên (PAD) ảnh hưởng đến một phần ba số người trên 50 tuổi bị đái tháo đường. PAD thường gây tổn thương thành động mạch ở chi dưới khi tích tụ mảng bám trên thành mạch máu khiến chúng bị thu hẹp.

Tăng huyết áp phổi nguyên phát, gây tổn thương động mạch phổi.

Bệnh tiểu đường

Làm giảm lưu thông máu khiến tay và chân lạnh.

Làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và hẹp động mạch (do xơ vữa động mạch) góp phần gây ra chứng tay chân lạnh.

Gây tổn thương thần kinh. Một trong những triệu chứng ban đầu của biến chứng này là cảm giác châm chích ở tay và chân.

Bạn nên:

Cố gắng ổn định lượng đường trong máu.

Suy giáp

Suy giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động kém, không sản xuất đủ hormone khiến quá trình trao đổi chất không diễn ra trơn tru.

Bạn nên:

Xét nghiệm máu để xác định bạn có bị suy giáp không. Nếu có, bạn có thể áp dụng phương pháp điều trị chính là bổ sung nội tiết tố tổng hợp hàng ngày.

Hội chứng Raynaud

Đây là chứng bệnh khiến ngón tay hoặc các bộ phận khác trên cơ thể bị lạnh hoặc tê liệt. Nó thu hẹp các động mạch ở tay hoặc chân, khiến máu không thể lưu thông như bình thường.

Hội chứng này còn có thể khiến ngón tay của bạn thay đổi màu sắc, chuyển sang màu trắng, xanh hoặc đỏ. Khi máu được lưu thông bình thường, bàn tay của bạn có thể có cảm giác ngứa ran, nhói hoặc sưng.

Hội chứng này thường xảy ra khi nhiệt độ bên ngoài trở lạnh hoặc bạn bị căng thẳng. Nguyên nhân gây hội chứng Raynaud vẫn chưa được xác định đầy đủ. Trước mắt các nhà khoa học chỉ có thể ghi nhận một số nguyên nhân gây ra Raynaud thứ cấp như:

Scleroderma: một bệnh tự miễn gây tình trạng cứng da.

Lupus ban đỏ: cũng là một bệnh tự miễn.

Hội chứng ống cổ tay: gây tê và yếu ở bàn tay do dây thần kinh giữa bị kẹt.

Thiếu vitamin B12

Vitamin B12 có nhiều trong thịt và các sản phẩm từ sữa, đóng vai trò quan trọng duy trì các tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Việc thiếu hụt vitamin B12 có thể gây ra các triệu chứng thần kinh bao gồm: cảm giác tay chân lạnh, tê hoặc ngứa ran.

Bạn nên:

Xét nghiệm máu để xác định cơ thể có thiếu vitamin B12 không. Nếu có, bạn có thể bổ sung chất này bằng đường uống, tiêm và thay đổi chế độ ăn uống.

Hút thuốc

Hút thuốc lá gây tổn hại các mạch máu trên cơ thể, khiến chúng bị thu hẹp, tim khó bơm máu đến các cơ quan gây tình trạng tay chân lạnh.

Một số nguyên nhân khác:

Tuổi tác

Tiền sử bệnh lý của gia đình

Tác dụng của một số loại thuốc

Nhiễm vi khuẩn hoặc virus và sốt

Trong trạng thái lo lắng

Nghiên cứu năm 2016 chỉ ra chứng khó tiêu mãn tính cũng là nguyên nhân gây tay chân lạnh

Ảnh hưởng của một số bệnh mãn tính như: huyết áp cao/thấp, kỳ kinh nguyệt...

Nếu bạn luôn trong tình trạng tay chân lạnh bất kể thời tiết bên ngoài thế nào, hoặc nhận thấy màu sắc ngón tay hoặc ngón chân thay đổi, hoặc cảm thấy khó thở hoặc đau tay/chân, hãy đi khám bác sĩ. Điều này sẽ giúp bạn xác định liệu bạn có đang mắc một căn bệnh hoặc tình trạng tiềm ẩn nào đó cần được điều trị hay không.

Như Hảo

Theo Người đưa tin

Đầu trang
dịch vụ kế toán thuế ở hà nội