Hiểu thêm về trầm cảm để có cách phòng ngừa đúng căn bệnh của cuộc sống hiện đại này
8:00 AM | 12/05/2021
Thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, hiện nay có khoảng 350 triệu người đang mắc trầm cảm trên toàn cầu và con số này có xu hướng tăng cao trong những năm gần đây. Tại việt Nam, trầm cảm là nguyên nhân khiến hàng chục ngàn người tự tử mỗi năm, cao hơn 2,5 lần so với số người chết do tai nạn giao thông.<BR>
- Bệnh nhân từng mắc Covid-19 có nguy cơ mắc bệnh tâm thần và rối loạn thần kinh
- Uống rượu nhiều có thể gây teo não, rối loạn giấc ngủ...
- Rối loạn tiền đình: xin đừng chủ quan
- Đây là 3 kiểu bố mẹ dễ khiến trẻ trầm cảm: Cần thay đổi ngay, đừng để một ngày mất con vĩnh viễn rồi mới hối hận
- Nghiên cứu gây bất ngờ: Chứng trầm cảm sau sinh ở nam giới là có thật
Bạn biết gì về trầm cảm?
Trầm cảm là một bệnh thuộc tâm thần học đặc trưng bởi rối loạn các rối loạn cảm xúc. Nó được mô tả là cảm giác buồn bã, mất mát hoặc tức giận… Những trạng thái này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần mà nó còn cản trở các hoạt động hàng ngày của một người, dẫn đến mất thời gian và giảm năng suất làm việc.
Mặc dù, chán nản là một phần bình thường của cuộc sống, những sự kiện đáng buồn xảy ra với tất cả mọi người, nhưng nếu bạn thường xuyên cảm thấy tuyệt vọng, đau buồn, mất hứng thú hơn 1 tuần liền, có thể bạn đang đối mặt với chứng trầm cảm. Các chuyên gia cho biết, trầm cảm được coi là một tình trạng y tế nghiêm trọng có thể trở nên tồi tệ hơn nếu không được điều trị thích hợp. Những người tìm cách điều trị thường thấy các triệu chứng được cải thiện chỉ trong vài tuần.
Kate Spade- một trong những nhà mốt tài hoa nhất nước Mỹ đã bị trầm cảm trong 5 năm và tự sát khi đang trên đỉnh cao danh vọng vào năm 2018. - (Ảnh: NBC news) |
Các nguyên nhân phổ biến khiến trầm cảm gia tăng
Các chuyên gia nhận định, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến trầm cảm, đó là:
Do bệnh lý: Chứng trầm cảm thường xảy ra với những nhóm người đang mắc bệnh tổn thương não, tai biến mạch máu não, viêm não, thoái hóa não, các bệnh tim mạch: cao huyết áp bệnh van tim, suy tim, các bệnh hệ tiêu hóa: loét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng, các bệnh nội tiết như đái tháo đường, hoặc lạm dụng một số thuốc chữa bệnh...
Do các tác động từ bên ngoài: Ngoài những nguyên nhân bệnh lý hoặc chấn thương tác động trực tiếp đến não bộ, trầm cảm còn xuất phát từ những nguyên nhân như: sống trong một mối quan hệ lạm dụng hoặc không quan tâm, cô đơn, căng thẳng công việc kéo dài, mất người thân, đổ vỡ trong hôn nhân…
Ngoài ra, trong một năm trở lại đây, đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn mọi thứ của cuộc sống thường ngày. Cùng với sự suy thoái kinh tế, những vấn đề nghiêm trọng kéo theo đã tác động tiêu cực đến nhiều người, đặc biệt là những người trẻ quen với cuộc sống năng động hoặc đang có cuộc sống bấp bênh chưa có tích lũy tài chính. Cụ thể là:
- Mất thu nhập
- Mất việc
- Sự cô lập với xã hội do cách ly
- Lo sợ bệnh tật lây lan
- Bất lực và tuyệt vọng về tương lai
Những dấu hiệu giúp bạn nhận biết chính mình hoặc người thân đang bị trầm cảm
Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo trầm cảm, bạn nên nhận biết sớm để quyết định xem liệu đã đến lúc bạn nên đến gặp chuyên gia sức khỏe tâm thần hay chưa.
1. Bi quan: Luôn có cảm giác bi quan hoặc bất lực về cuộc sống hiện tại là dấu hiệu phổ biến nhất của chứng trầm cảm. Song hành là những cảm giác thấy mình vô dụng, chán ghét bản thân hoặc cảm giác tội lỗi.
2. Mất hứng thú vào cuộc sống: Bạn có thể rút lui khỏi các hoạt động hoặc không còn hứng thú với những điều mình đã rất yêu thích, rất mong đợi như: đi du lịch, chơi thể thao, đi chơi với bạn bè... Đáng lo ngại hơn, bạn có thể mất hứng thú với “chuyện ấy” kèm theo các dấu hiệu khác là giảm ham muốn, thậm chí bất lực.
3. Thường xuyên mệt mỏi: Bạn luôn thấy bản thân mình cạn kiệt năng lượng, mệt mỏi không còn chút sức lực để làm bất cứ điều gì.
4. Rối loạn giấc ngủ: Người mắc bệnh trầm cảm có thể ngủ nhiều hơn bình thường, luôn lờ đờ, mơ màng hoặc mất ngủ, khó đi vào giấc ngủ, tỉnh giấc nhiều lần giữa đêm, kèm theo triệu chứng lo âu, bồn chồn.
5. Lo lắng: Mặc dù trầm cảm không được chứng minh là gây ra lo lắng, nhưng hai tình trạng này thường xảy ra cùng nhau. Các triệu chứng của lo lắng có thể bao gồm: bồn chồn hoặc cảm thấy căng thẳng, cảm giác đang lâm vào nguy hiểm, hoảng loạn hoặc sợ hãi, nhịp tim nhanh, tăng hoặc đổ mồ hôi nhiều, khó tập trung hoặc suy nghĩ rõ ràng về bất kỳ điều gì khác ngoài điều đang lo lắng.
6. Thay đổi về sự thèm ăn và cân nặng: Khi bị trầm cảm, bạn có thể thèm ăn nhiều hơn và dẫn tới tăng cân. Trong khi đó, một số người không buồn ăn uống và từ đó cân nặng cũng giảm sút theo.
7. Không kiểm soát được cảm xúc: Cơn giận của bạn bộc phát rất nhanh, tiếp theo đó, bạn khóc không thể kiểm soát.
8. Tự làm hại bản thân, thậm chí có ý định tự sát: Người bị trầm cảm sẽ thường xuyên có ý nghĩ tiêu cực, không thiết tha đến cuộc sống và có xu hướng tự làm hại bản thân. Trong một số trường hợp nặng, họ có ý nghĩ muốn tự sát, thậm chí lên kế hoạch tự sát. Cụ thể, ý nghĩ tự sát có thể thoáng qua hoặc thường xuyên hơn, thụ động ("Nếu tôi chết thì sao?") hoặc chủ động (nghĩ cách tự sát, lập kế hoạch).
Cũng trong năm 2018, đầu bếp nổi tiếng thế giới Anthony Bourdain tự treo cổ trong phòng tắm do trầm cảm. - (Ảnh: NBC news) |
6 hậu quả khôn lường của trầm cảm
Trong thời gian ngắn, trầm cảm có thể gây ra chán ăn, sụt cân và các triệu chứng thể chất khác. Nếu bạn phát triển chứng mất ngủ hoặc chứng ngủ quá nhiều (ngủ quá nhiều), bạn có thể mệt mỏi và rơi vào hôn mê. Về lâu dài, những tình trạng sức khỏe khác có thể xuất hiện như:
1. Suy giảm hệ miễn dịch: Căng thẳng mãn tính và trầm cảm có liên quan đến chứng viêm và có thể thay đổi hệ thống miễn dịch. Một số nghiên cứu cho thấy, những người bị trầm cảm có nhiều khả năng mắc các bệnh viêm nhiễm hoặc rối loạn tự miễn dịch, tiểu đường type 2 và viêm khớp.
2. Giảm ham muốn “chuyện ấy”: Những người bị trầm cảm có thể bị giảm ham muốn tình dục, khó hưng phấn, không còn đạt cực khoái hoặc ít đạt khoái cảm hơn. Một số người cũng gặp các vấn đề trong mối quan hệ do trầm cảm, có thể ảnh hưởng đến hoạt động tình dục.
3. Các bệnh mãn tính trở nên tồi tệ hơn: Những người đã có tình trạng sức khỏe mãn tính có thể thấy các triệu chứng của họ tồi tệ hơn, nếu họ phát triển bệnh trầm cảm.
4. Phát triển các vấn đề về tiêu hóa: Những người bị trầm cảm thường có các vấn đề về tiêu hóa như: đau dạ dày, tiêu chảy, nôn, buồn nôn, táo bón, hoặc hội chứng ruột kích thích.
5. Bệnh tim mạch: Do trầm cảm có liên quan mật thiết đến căng thẳng. Hormone căng thẳng làm tăng nhịp tim và làm cho các mạch máu thắt chặt, khiến cơ thể bạn rơi vào tình trạng khẩn cấp kéo dài. Theo thời gian, điều này có thể dẫn đến bệnh tim.
6. Tự sát: Các thống kê cho thấy, tự tử là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở người trẻ, mà gốc rễ chính của tình trạng này chính là trầm cảm.
Các cách chẩn đoán trầm cảm phổ biến hiện nay
Trầm cảm là một bệnh lý nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần với khả năng để lại hậu quả rất cao, nên một khi nhận thấy có dấu hiệu trầm cảm hãy tìm kiếm ngay sự trợ giúp y tế. Khi thăm khám, hầu hết các trường hợp được chẩn đoán dựa trên các bài kiểm tra tâm lý. Cụ thể, một loạt câu hỏi liên quan đến các vấn đề sau sẽ được đặt ra cho bạn:
- Tâm trạng
- Sự thèm ăn
- Giấc ngủ
- Hoạt động thường ngày
- Suy nghĩ
Vì trầm cảm có thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác, các chuyên gia có thể sẽ tiến hành khám sức khỏe và yêu cầu xét nghiệm máu. Đôi khi các vấn đề về tuyến giáp hoặc thiếu hụt vitamin D có thể gây ra các triệu chứng trầm cảm.
6 cách điều trị trầm cảm hiệu quả
Điều trị trầm cảm có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, hạn chế hoặc ngăn ngừa các bệnh mãn tính diễn tiến trầm trọng. Theo đó, các biện pháp điều trị phổ biến bao gồm:
1. Điều trị bằng thuốc: Các bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống trầm cảm, chống lo âu, chống rối loạn thần kinh. Tuy nhiên, lưu ý rằng, mỗi loại thuốc được sử dụng để điều trị trầm cảm đều có những lợi ích và nguy cơ tiềm ẩn.
2. Tâm lý trị liệu: Các chuyên gia trị liệu tâm lý có thể giúp bạn học các kỹ năng đối phó với cảm giác tiêu cực. Bạn cũng có thể được chỉ định tham gia các buổi trị liệu gia đình hoặc nhóm người có cùng tình trạng.
3. Liệu pháp ánh sáng: Tiếp xúc với ánh sáng trắng ở mức độ hợp lý có thể giúp điều chỉnh tâm trạng và cải thiện các triệu chứng trầm cảm.
4. Liệu pháp sốc điện: Đôi khi trầm cảm không đáp ứng với thuốc. Các bác sĩ có thể đề xuất các lựa chọn điều trị khác nếu các triệu chứng của bạn không cải thiện. Chúng bao gồm liệu pháp sốc điện (ECT) hoặc kích thích từ trường xuyên sọ lặp đi lặp lại (rTMS) để điều trị trầm cảm và giúp bạn cải thiện tâm trạng.
5. Điều trị bổ sung: Các bác sĩ có thể chỉ định cho bạn trị liệu bằng châm cứu hoặc thiền định để giúp bạn ổn định tâm trạng. Cùng với đó, một số chất thảo dược bổ sung cũng được sử dụng để điều trị trầm cảm như cây Ban Âu (St. John’s wort), S -Adenosyl- L -Methionine (SAMe) và dầu cá. Ngoài ra, những người bị trầm cảm có thể giảm triệu chứng khi ngửi các loại tinh dầu sau:
Tinh dầu gừng: Hít mùi hương này có thể kích hoạt các thụ thể serotonin trong não của bạn. Điều này có thể làm chậm việc giải phóng các hormone gây căng thẳng.
Cam Bergamot: Tinh dầu cam quýt này đã được chứng minh là có tác dụng giảm lo lắng ở những bệnh nhân đang chờ phẫu thuật. Lợi ích tương tự có thể giúp những người bị lo lắng do trầm cảm.
Tuy nhiên, hãy thảo luận với bác sĩ về tác dụng phụ của những loại thảo dược trị liệu bổ sung này. Vì khi kết hợp với thuốc kê đơn có thể có một số phản ứng phụ nhất định làm trầm trọng thêm tình trạng trầm cảm hoặc làm giảm hiệu quả của thuốc.
6. Dùng vitamin: Nghiên cứu cho thấy hai loại vitamin đặc biệt hữu ích để giảm bớt các triệu chứng của bệnh trầm cảm là:
Vitamin B: B12 và B6 rất quan trọng đối với sức khỏe của não. Khi lượng vitamin B thấp, nguy cơ mắc bệnh trầm cảm của bạn có thể cao hơn.
Vitamin D: Còn được gọi là vitamin ánh nắng mặt trời. Vitamin D rất quan trọng đối với sức khỏe của não, tim và xương. Những người bị trầm cảm có nhiều khả năng có lượng vitamin này thấp.
9 cách giúp bạn chủ động phòng ngừa trầm cảm
Nếu bạn nhận thấy bản thân mình đang trải những trạng thái cảm giác trầm cảm kể trên, hãy cố gắng vượt qua bằng những cách dưới đây:
1. Nuôi thú cưng: Mặc dù không có gì có thể thay thế mối liên hệ giữa con người với nhau, nhưng thú cưng có thể mang lại niềm vui và sự đồng hành trong cuộc sống của bạn và giúp bạn bớt cảm thấy bị cô lập. Chăm sóc thú cưng cũng có thể khiến bạn thoát ra khỏi những suy nghĩ bi quan, nhàm chán và mang lại cho bạn cảm giác tích cực - cả hai đều là liều thuốc “giải độc” mạnh cho chứng trầm cảm.
2. Tập thể dục: Mục tiêu 30 phút hoạt động thể chất từ 3 đến 5 ngày một tuần. Tập thể dục có thể mang lại những lợi ích như sau:
- Giúp cơ thể tăng sản xuất endorphin - một loại hormone giúp cải thiện tâm trạng.
- Làm tăng nhiệt độ cơ thể giúp làm dịu hệ thần kinh trung tâm.
Tất cả các hình thức tập thể dục đều có thể giúp điều trị chứng trầm cảm, nhưng tốt nhất bạn nên duy trì tập thể dục thường xuyên. Nếu không thể đến phòng tập bạn có thể: đi bộ quanh khu nhà, tận dụng thang bộ thay vì đi thang máy, tập yoga hoặc các bài tập tại nhà...
3. Tránh xa rượu bia và các chất kích thích khác: Uống nhiều rượu bia hoặc lạm dụng chất kích thích có thể khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn một chút. Nhưng về lâu dài, những chất này có thể khiến các triệu chứng trầm cảm và lo lắng phát triển hoặc trở nên tồi tệ hơn.
4. Ưu tiên ăn những thực phẩm tươi sống và chứa nhiều dinh dưỡng: Các nghiên cứu gần đây cho thấy, chế độ ăn uống tập trung vào thực phẩm tươi có nhiều chất dinh dưỡng như: cá hồi, thịt heo, bò, gà, hàu, đậu, trứng, sữa, các loại rau xanh... sẽ giúp cải thiện tâm trạng, giảm lo lắng. Chế độ ăn này cũng bao gồm việc cắt giảm các thực phẩm tinh chế đã qua chế biến, đồ ngọt và đồ chiên rán, đồ ăn vặt.
5. Học cách nói không: Cảm thấy quá tải có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng lo âu và trầm cảm. Đặt ra ranh giới trong cuộc sống nghề nghiệp và cá nhân của bạn có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn.
6. Giữ liên lạc với những người bạn và các thành viên trong gia đình: Ngay cả khi không thể gặp mặt trực tiếp, bạn hãy cố gắng giữ kết nối với bạn bè và người thân. Cụ thể, bạn có thể lập danh sách bạn bè, bao gồm cả những người bạn đã lâu không liên lạc và kết nối với họ bằng mạng xã hội. Bạn cũng có thể mở những câu lạc bộ trực tuyến như: Câu lạc bộ sách, thơ ca, âm nhạc… với bạn bè của mình.
7. Kiểm soát căng thẳng: Căng thẳng không chỉ kéo dài và làm trầm trọng thêm trầm cảm mà còn có thể kích hoạt căn bệnh tâm thần này. Hãy cố gắng tìm ra nguồn gốc thật sự khiến bạn căng thẳng chẳng hạn như công việc quá tải, cô đơn, vấn đề tiền bạc hoặc các mối quan hệ không được ủng hộ, đồng thời tìm cách giảm bớt áp lực và lấy lại quyền kiểm soát.
8. Ngủ đủ giấc: Một giấc ngủ chất lượng sẽ nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất. Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Hoa Kỳ (National Sleep Foundation) cho biết, những người bị mất ngủ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao gấp 10 lần so với những người ngủ ngon. Để có giấc ngủ ngon hơn, bạn hãy:
- Không tiếp xúc màn hình ánh sáng xanh nào trong hai giờ trước khi đi ngủ (bao gồm cả điện thoại)
- Chuẩn bị một tấm nệm thật thoải mái
- Tránh những thức uống có caffeine sau buổi trưa
- Đọc sách
Hãy ngủ đủ 7-8 giờ mỗi đêm. Bởi thiếu ngủ hoặc ngủ không ngon có liên quan đến các rối loạn tâm thần bao gồm trầm cảm và lo âu. - (Ảnh: Freepik) |
9. Tránh xa những người độc hại: Một nghiên cứu xã hội được thực hiện gần đây cho thấy, các tương tác xã hội tiêu cực có liên quan đến mức độ cao hơn của các loại protein được gọi là cytokine. Đây chính là những loại protein có liên quan đến chứng viêm cũng như trầm cảm. Vì vậy, trong bất kể tình huống cụ thể nào, bằng mọi giá phải tránh những người độc hại.
Nếu phát hiện người thân bị trầm cảm, bạn sẽ làm gì?
Việc giúp đỡ những người bệnh trầm cảm có thể khiến họ thoát khỏi lo âu sợ hãi và các hành vi tự hại. Tuy nhiên, nếu bạn chưa biết cách “kéo” họ ra khỏi vùng tối xúc cảm như thế nào thì dưới đây là 4 gợi ý cho bạn:
1. Lắng nghe: Hãy cho bạn bè hoặc người thân của bạn biết bạn luôn ở đó vì họ. Bạn có thể bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách chia sẻ mối quan tâm của mình và đặt một câu hỏi cụ thể. Ví dụ: bạn có thể nói, “Có vẻ như gần đây cậu đang gặp khó khăn hả? Cậu đang nghĩ gì vậy, có thể kể tớ nghe không?" Hãy nhớ rằng người đó có thể muốn nói về những gì họ cảm thấy, nhưng họ sẽ không muốn nghe lời khuyên.
2. Giúp họ tìm sự hỗ trợ: Người bị trầm cảm đôi khi không biết rằng họ đang mắc chứng này. Nếu bạn nhận thấy họ có vấn đề, hãy đề nghị giúp đỡ và tìm kiếm những chuyên gia trị liệu tốt. Bạn cũng có thể giúp bạn hoặc người thân của mình liệt kê những điều cần hỏi chuyên gia và những điều họ muốn đề cập trong buổi đầu tiên.
3. Chủ động chia sẻ những công việc thường ngày với người bệnh: Với những người mắc chứng trầm cảm, các công việc hàng ngày có thể làm họ cảm thấy quá tải. Những thứ như giặt là, mua sắm hàng tạp hóa hoặc thanh toán hóa đơn có thể chồng chất, khiến họ bối rối trong việc bắt đầu từ đâu. Vì vậy, hãy đề nghị giúp đỡ bằng cách đi siêu thị, nấu bữa tối, rửa bát, giặt giũ… cùng với người đó. Trong khi làm việc, hãy trò chuyện hoặc bật vài bản nhạc để tạo không khí vui vẻ.
4. Kiên nhẫn: Sẽ không có một giải pháp nào có thể phục hồi tâm trạng tiêu cực một cách nhanh chóng nhất, và tâm trạng người bị trầm cảm cũng có lúc diễn biến tốt hoặc xấu. Vì vậy, sự mất kiên nhẫn của bạn sẽ khiến người bị trầm cảm có cảm giác tuyệt vọng hơn và quay lại trạng thái cô lập chính mình
Trầm cảm hiện là một căn bệnh tâm thần khá phổ biến và có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của chúng ta. Qua bài viết, mong rằng bạn đã hiểu thêm về chứng trầm cảm cũng như những cách ngăn ngừa trầm cảm. Từ đó, có thể vui vẻ tận hưởng cuộc sống, chăm sóc bản thân và người thân tốt hơn.
My Lê
Theo Người đưa tin
Nhiều vấn đề về sức khỏe nảy sinh từ cuộc sống thường ngày. Tìm hiểu ngay để tìm hiểu rõ nguyên nhân và cách phòng bệnh
Tìm hiểu ngay