Hiểu đúng những điều này, mẹ chẳng còn lo lắng khi chủng ngừa cho trẻ
3:00 PM | 06/06/2019
Nhiều cha mẹ hiểu tầm quan trọng của việc chủng ngừa cho trẻ, nhưng vì mất thời giờ cân nhắc nên đã bỏ lỡ mất thời điểm lý tưởng để chủng ngừa các bệnh nguy hiểm cho con. Những thông tin sau sẽ giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về chủng ngừa và đưa ra quyết định kịp thời.
- Trẻ bị cúm hoặc ho có nên đi tiêm phòng không?
- Hiểu được những điều này, mẹ sẽ không bao giờ quên chủng ngừa vi rút rota sớm cho con
- 4 mũi tiêm vaccine cần thiết trước khi có bầu
Chủng ngừa cho con ngay từ 6 tuần tuổi là việc làm cần thiết mà phụ huynh có thể làm để con sớm phòng ngừa được các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
1. Tại sao nên chủng ngừa vi rút rota khi trẻ được 6 tuần tuổi?
Lứa tuổi mà trẻ hay bị nhiễm vi rút rota nhất thường rơi vào giai đoạn 6-36 tháng tuổi.(1) Tuy nhiên, một số trẻ sẽ có nguy cơ bị nhiễm vi rút này ngay từ trước 3 tháng tuổi. Chính vì lý do này mà các chuyên gia y tế khuyến cáo nên đưa trẻ đi chủng ngừa vi rút rota ngay từ thời điểm vàng từ 6 tuần tuổi(2) để cơ thể sinh ra kháng thể, bảo vệ trẻ khi bước vào giai đoạn dễ bị nhiễm bệnh nhất.
2. Có nên tiêm chủng khi trẻ đang bị sốt?
Khi trẻ bị bệnh, sốt nhẹ... các bậc phụ huynh thường e ngại việc tiêm chủng sẽ khiến tình trạng của bé tệ hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, mẹ không nên tự ý dời lịch tiêm chủng mà hãy đưa bé đến gặp các bác sĩ để thăm khám và được tư vấn. Thực tế, trẻ vẫn có thể tiêm ngừa nếu có các biểu hiện như: sốt nhẹ (dưới 38 độ), cảm lạnh, ho, chảy nước mũi, tiêu chảy nhẹ, viêm tai giữa...(3)
Chính vì thế, nếu đợi đến khi trẻ hết các triệu chứng nhẹ mới đi tiêm có thể sẽ làm lỡ thời điểm tốt nhất để chủng ngừa của trẻ. Bác sĩ mới là người quyết định có nên cho trẻ tiêm ngừa hay không.
3. Làm gì khi trẻ bị sốt sau khi tiêm?
Thông thường, trẻ sẽ bị đau tại vết tiêm và sốt nhẹ sau khi tiêm ngừa. Lúc này, mẹ có thể giảm khó chịu cho bé bằng các biện pháp (4) như:
- Không chạm, đè hoặc đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm của trẻ. Tốt nhất là mẹ nên tắm cho trẻ trước khi tiêm.
- Cặp nhiệt độ và theo dõi, cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo yêu cầu và hướng dẫn cụ thể của bác sĩ.
- Ngoài ra, có một lưu ý đơn giản là đưa trẻ đi tiêm ngừa vào buổi sáng sẽ giúp tránh việc trẻ sẽ khó chịu và quấy khóc về đêm.
4. Khi nào nên đưa bé đi gặp bác sĩ sau khi chủng ngừa?
Mẹ cần theo dõi liên tục và nhanh chóng đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất nếu sau khi tiêm bé có những dấu hiệu bất thường(5) như: sốt cao (trên 39 độ), co giật, khóc thét hoặc quấy khóc kéo dài, bú kém hoặc bỏ bú, phát ban, tím tái, khó thở, vết tiêm sưng đỏ và lan rộng...
5. Nên làm gì nếu bỏ lỡ lịch chủng ngừa của trẻ?
Một số trẻ thường vì nhiều lí do mà không thể tiêm chủng đúng lịch, hoặc bỏ lỡ mất một liều chủng ngừa nhắc lại. Trong trường hợp đó, mẹ hãy nhanh chóng đưa trẻ đi chủng ngừa bổ sung liều bị bỏ lỡ càng sớm càng tốt. Việc chủng ngừa bổ sung này vẫn sẽ có tác dụng tạo ra kháng thể bảo vệ cho cơ thể và cũng không làm mất tác dụng của liều trước đó, tuy nhiên, nếu chủng ngừa đúng theo lịch hẹn của bác sĩ thì sẽ đạt được hiệu quả bảo vệ tối ưu cho trẻ.(6)
6. Chủng ngừa nhiều bệnh 1 lần cho trẻ có nguy hiểm không?
Việc phòng ngừa nhiều bệnh một lúc bằng cách sử dụng các vắc xin phối hợp nhiều kháng nguyên dể dự phòng nhiều bệnh trong một liều tiêm cho trẻ sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ cũng như không ảnh hưởng đến khả năng sản sinh kháng thể cho từng loại bệnh(7).
Bên cạnh đó, chủng ngừa nhiều loại bệnh cùng lúc còn làm giảm đáng kể số lần phải đến bệnh viện thăm khám, giúp tiết kiệm được thời gian và tiền bạc, tạo điều kiện dễ dàng hơn để trẻ có thể hoàn thành chủng ngừa đúng thời hạn. Hơn thế nữa, việc phối hợp tiêm chủng nhiều loại bệnh cùng lúc còn giúp làm số lần tiêm cho trẻ ít hơn, tránh phải chịu đau đớn nhiều lần cũng như hạn chế khả năng cha mẹ bỏ lỡ các lần chủng ngừa nhắc lại cho trẻ.
“Tiêm chủng nhẹ nhàng – 3 mong ước vàng mẹ dành cho bé” là chương trình tuyên truyền tiêm chủng cộng đồng nhằm cung cấp kiến thức quan trọng cho mẹ về các vắc xin cần thiết dành cho con ngay từ 6 tuần tuổi để phòng ngừa sớm cho con khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. |
Chương trình giáo dục sức khỏe cộng đồng được phối hợp thực hiện bởi Cục Y Tế Dự Phòng - Hội Y học Dự phòng Việt Nam và VPĐD GSK tại TP. HCM.
Nguồn:
1. http://benhviennhitrunguong.org.vn/rotavirus-nguyen-nhan-hang-dau-gay-tu-vong-do-tieu-chay-o-tre-em.html
2. http://yteduphong.com.vn/tieng-viet/tin-tuc/ban-tin-trung-tam/tu-van-phong-benh-tieu-chay-do-rotavirus-c3456i2894.html
3. https://www.cdc.gov/vaccines/parents/visit/sick-child.html
4. http://www.tiemchungmorong.vn/vi/content/huong-dan-cham-soc-tre-sau-tiem-chung.html
5. http://www.tiemchungmorong.vn/vi/content/huong-dan-cham-soc-tre-sau-tiem-chung.html
6. http://tiemchung.gov.vn/2017/02/22/tiem-phong-khong-dung-lich-hen-co-lam-mat-tac-dung-cua-vac-xin-khong/
7. http://www.tiemchungmorong.vn/vi/content/tiem-nhieu-loai-vac-xin-trong-cung-mot-buoi-co-toan-cho-tre.html
Nhiều vấn đề về sức khỏe nảy sinh từ cuộc sống thường ngày. Tìm hiểu ngay để tìm hiểu rõ nguyên nhân và cách phòng bệnh
Tìm hiểu ngay