Ăn no nhưng bụng vẫn sôi lên, có thể do 5 vấn đề này gây ra
5:00 PM | 22/04/2024
Nếu để ý, bạn sẽ thấy bụng của mình thường sôi lên mỗi khi đói, và sau khi ăn no - hiện tượng này sẽ ngừng lại. Tuy nhiên, ngay khi đã no bụng mà tình trạng này vẫn diễn ra, bạn cần chú ý 5 vấn đề sức khỏe sau đây.
- Ăn chuối vào buổi sáng rất tốt để giảm cân, vậy có nên ăn chuối khi bụng đói không?
- Ăn nhiều vẫn đói, có phải bạn đang mắc bệnh hay không?
- “Say no” 10 thực phẩm cực hại dạ dày khi bụng đói
- Những điều tuyệt đối không nên làm khi bụng đói
- Tại sao đói bụng lại gây đau đầu?
Vì sao bụng ta lại thường sôi lên mỗi khi đói bụng?
Chắc hẳn câu hỏi này cũng là thắc mắc của khá nhiều người. Các chuyên gia sức khỏe đã giải thích như sau: đường tiêu hóa trong cơ thể chúng ta là một ống rỗng chạy từ miệng đến hậu môn, được bao bọc chủ yếu từ những lớp cơ trơn. Nguồn gốc của tiếng động trong bụng là do sự hoạt động của các cơ bắp trong dạ dày, ruột non và đại tràng.
Thực ra, tiếng ọt ọt trong bụng không bao giờ biến mất, mà nó được cản bởi không khí, thức ăn, hoặc chất lỏng từ bên ngoài vào. Khi bụng rỗng, các cơ của thành dạ dày lại tiếp tục co bóp mạnh hơn lần trước. Khi đó, rất nhiều khí và thức ăn đã tiêu hóa được nén chặt xuống dạ dày rỗng, khiến tiếng kêu càng to hơn. Hiện tượng này sẽ thực hiện thành nhiều quá trình liên tiếp nhau, mỗi quá trình sẽ kéo dài từ 10 đến 20 phút và lặp lại sau hai giờ cho đến khi dạ dày được nạp thức ăn.
Nhưng, nguyên nhân là gì nếu bụng vẫn kêu ngay cả khi ta đã ăn no? Các chuyên gia sức khỏe cho biết, đó có thể là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe sau đây.
1. Rối loạn đường ruột
Rối loạn đường ruột (đầy đủ hơn là rối loạn hệ vi sinh đường ruột) là một trong những nguyên nhân khiến bụng “kêu réo” bất thường. Nguyên nhân khiến tình trạng này xảy ra thường là do sự thiếu hụt lợi khuẩn trong ống tiêu hóa, tạo điều kiện để các hại khuẩn phát triển, cản trở chức năng tiêu hóa. Từ đó sinh ra tình trạng đầy hơi, sôi bụng nhiều hơn, ngay cả khi bạn không hề cảm thấy đói.
Một loại rối loạn thường gặp khác ở đường ruột gây sôi bụng là rối loạn chức năng đường ruột. Thường xảy ra chủ yếu là do ăn uống không lành mạnh. Biểu hiện qua các triệu chứng như tăng nhu động ruột, táo bón, trướng bụng. Ngoài ra, nó còn gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, dễ dẫn tới tình trạng lo âu, trầm cảm.
Để hệ vi sinh vật trong đường ruột luôn cân bằng, tránh làm ảnh hưởng đến các chức năng tiêu hóa, bạn nên bổ sung nhiều hơn các loại thực phẩm giàu probiotics như: sữa chua, sữa uống lên men, đậu hũ lên men,... trong bữa ăn hàng ngày (Ảnh: Internet)
2. Tắc ruột
Tắc ruột có thể xảy ra khi tình trạng táo bón trở nên nghiêm trọng hơn. Kèm theo đó là hiện tượng mất nước, điều điều này khiến thức ăn khó di chuyển trong ống tiêu hóa hơn và bị mắc kẹt tại một vị trí nào đó gây nên tắc ruột. Lúc này, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như đau bụng từng cơn, cứng bụng nhưng lại đi kèm buồn nôn, bụng kêu “ọc ọc” nhưng lại buồn nôn và nôn cùng với không thể đi tiêu.
Trong trường hợp này, mọi người nên cố gắng uống nước thật nhiều để bù nước đường ruột, giúp làm trơn ống tiêu hóa để giải quyết tình trạng tắc ruột. Nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng, người bệnh cần thăm khám bởi bác sĩ để được chữa trị đúng cách.
3. Trào ngược dạ dày - thực quản
Gặp tình trạng bụng kêu ọc ọc liên tục dù không hề đói bụng thì nguyên nhân phần lớn đến từ dạ dày, vì thức ăn sẽ được tiêu hoá chủ yếu tại cơ quan này. Khi dạ dày gặp bất thường, quá trình tiết axit dịch vị sẽ bị gián đoạn và làm ảnh hưởng đến quá trình tiêu hoá thức ăn trong dạ dày, lúc này sẽ xuất hiện tình trạng sôi bụng liên tục, kèm theo triệu chứng ăn không tiêu, dẫn đến trướng bụng.
Thông thường, bệnh lý phổ biến nhất có liên quan đến dạ dày gây ra tình trạng sôi bụng này là trào ngược dạ dày - thực quản. Khi niêm mạc dạ dày bị tổn thương làm dịch vị tiết ra, người bệnh sẽ cảm thấy bụng ọc ọc liên tục, ợ hơi - ợ chua - ợ nóng, buồn nôn, nôn, đau tức vùng bụng, ngực, đầy hơi khó tiêu, nghẹn thức ăn, hôi miệng và đau họng.
Không loại trừ khả năng bệnh ung thư dạ dày đang âm thầm khởi phát thông qua dấu hiệu sôi bụng không điểm dừng, kể cả khi bạn đã ăn uống khoa học hơn. Lúc này, tốt nhất là bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời (Ảnh: Internet)
4. Bệnh Crohn
Bệnh Crohn là một bệnh lý viêm ruột mãn tính, còn gọi là viêm ruột từng vùng gây ảnh hưởng đến đường tiêu hóa. Các dấu hiệu của bệnh có thể bao gồm đau bụng dưới kêu “ọc ọc”, tiêu chảy, sụt cân, mệt mỏi, sốt, buồn nôn, ói mửa, và thiếu máu.
Ngoài gây khó chịu, ảnh hưởng tới ăn uống, sinh hoạt cũng như gây tổn thương ở cả ruột non, ruột già, bệnh này còn có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa từ miệng đến đại tràng và cả hậu môn. Thậm chí bệnh còn có thể dẫn đến những tổn thương gan, loãng xương và ung thư ruột kết.
5. Viêm dạ dày ruột cấp tính
Tăng nhu động ruột và bụng phát ra tiếng kêu cũng có thể là dấu hiệu của viêm dạ dày ruột cấp tính, nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này là do các tác nhân gây hại (như: virus/ vi khuẩn/ vi nấm) trong không khí tấn công vào đường tiêu hóa, thông qua thực phẩm mà ta hay ăn vào. Đó là lý do vì sao mà bệnh này được gọi là bệnh của mùa hè và mùa thu - do 2 mùa này là thời điểm mà các tác nhân gây hại tăng sinh mạnh mẽ nhất. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh bao gồm: sôi bụng, tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, nôn, nhức đầu, sốt, sôi bụng.
Viêm dạ dày ruột cấp tính có thể tự khỏi khi có chế độ ăn uống hợp lý, kết hợp với nghỉ ngơi đủ. Tuy nhiên, một số bệnh nhiễm ký sinh trùng, vi khuẩn sẽ cần điều trị bằng thuốc nên mọi người cần đến bệnh viện thăm khám - nếu thấy tình trạng này xảy ra liên tiếp trong 1 tuần không dứt (Ảnh: Internet)
Nhìn chung, các vấn đề sức khỏe kể trên gây ra triệu chứng sôi bụng thường bắt nguồn từ lối sống thiếu khoa học, nên bạn có thể cải thiện tình trạng này bằng cách tuân thủ và duy trì lối sống lành mạnh hơn. Tuy nhiên, không nên vì vậy mà chủ quan. Nếu cảm thấy tình trạng này không hề cải thiện dù bạn đã làm nhiều cách, tốt hơn hết là nên thăm khám sớm để kịp thời nắm được nguyên nhân chính xác, tránh các nguy cơ nguy hiểm sẽ xảy ra.
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin
Nhiều vấn đề về sức khỏe nảy sinh từ cuộc sống thường ngày. Tìm hiểu ngay để tìm hiểu rõ nguyên nhân và cách phòng bệnh
Tìm hiểu ngay