Chuyên trang cập nhập những thông tin mới nhất về sức khỏe

Truyền dịch- nguy hiểm nếu dùng bừa

9:42 AM | 11/09/2018

Truyền nước mỗi khi cơ thể suy kiệt, ốm, mệt hay ngủ ít… đang có chiều hướng bị lạm dụng. Những công dụng, mặt tích cực của phương pháp chăm sóc sức khỏe này là có thật, nhưng những mặt hạn chế của nó lại không được mọi người quan tâm.

Các loại dịch truyền

Lâu nay, chúng ta vẫn hay gọi chung các loại dịch truyền là nước biển. Đây là một loại nước được chứa trong chai thủy tinh hay nhựa có thể tích từ 250ml đến 500ml đã được thanh lọc và hấp trong một môi trường vô trùng. Sau đó, người ta cho các chất kết tinh khác hòa tan vào để sản xuất nhiều loại dịch truyền khác nhau cho từng loại bệnh.

Theo TS. Ngô Xuân Sinh (Bệnh viện Đa khoa Tràng An), trên thị trường thuốc hiện nay có khá nhiều loại dịch truyền, nhưng tựu trung lại có thể tổng hợp thành ba nhóm sau đây:

- Nhóm cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể. Trong nhóm này có loại dịch chứa đường (còn gọi là dung dịch ngọt, dung dịch glucoza) theo tỉ lệ 5%, 10%, 20%, 30% được truyền trong tĩnh mạch và loại dịch chứa đạm chủ yếu cung cấp đạm, chất béo hay vitamin trong các trường hợp suy kiệt, suy dinh dưỡng… và một số loại dùng cho các trường hợp đặc biệt như suy gan, suy thận.

- Nhóm cung cấp các chất điện giải cho cơ thể trong trường hợp bệnh nhân bị mất nước, mất máu…

- Nhóm đặc biệt dùng trong chuyên khoa như: huyết tương (một chế phẩm từ máu), dung dịch chứa albumin, dung dịch cao phân tử… dùng cho những trường hợp cần bù khẩn cấp chất đạm hay khi bị choáng giảm thể tích, sốt xuất huyết…

Truyen dich- nguy hiem neu dung bua

Khi nào cần truyền dịch?

Dịch truyền là dạng thuốc rất cần thiết trong các trường hợp bệnh nhân bị suy kiệt, suy dinh dưỡng hay mắc các bệnh nặng làm suy giảm nồng độ đường, chất khoáng, chất điện giải… mà không thể uống thuốc. Tuy nhiên, một số người cứ hễ kém ăn, khó ngủ, người mệt mỏi là nghĩ ngay đến việc mời bác sĩ đến nhà truyền dịch. Thậm chí, có người vì muốn béo lên nhanh chóng cũng nhờ cậy đến nó…

Loại dịch truyền đạm chỉ nên được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân không thể ăn hoặc hấp thu các chất dinh dưỡng qua đường tiêu hóa. Nếu bạn không đau yếu, ăn uống tốt mà vẫn truyền dịch thì trước tiên là rất lãng phí. Sau nữa, khi lạm dụng việc truyền dịch, bạn đã vô tình kéo nhiều nguy cơ sức khỏe đến với mình. Vì vậy, việc truyền dịch vào thời điểm nào, liều lượng ra sao nhất định cần tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Để truyền dịch hiệu quả

Hiện ở các thành phố lớn đều có dịch vụ thuê y tá, bác sĩ đến tận nhà để truyền dịch. Với dịch vụ này, nhân viên y tế chỉ thực hiện thao tác đưa kim tiêm truyền dịch vào người bệnh nhân, quá trình truyền dịch còn lại sẽ do người nhà bệnh nhân trông nom. Cả bệnh nhân và người nhà đều không biết rằng, việc truyền dịch mà không có sự theo dõi thường xuyên của bác sĩ, không đảm bảo được điều kiện vô trùng, không dự phòng các tai biến thì rất nguy hiểm.

Sốc phản vệ có thể xảy ra, tính mạng bệnh nhân có thể bị đe dọa nếu không được xử lý kịp thời. Kim tiêm có thể bị chệch ra ngoài tĩnh mạch sẽ làm sưng ngay chỗ kim tiêm hoặc lan toả ra xung quanh khiến vùng da đó bị viêm tấy đỏ, nặng hơn là bị hoại tử, nhất là khi truyền nhóm dịch cung cấp chất dinh dưỡng (còn gọi là nhóm ưu trương).

Với nhóm dịch truyền chứa chất điện giải thì phải rất thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân lớn tuổi, có độ lọc thận yếu, bệnh nhân tim mạch hay có bệnh lý não...

Nhiều cha mẹ thắc mắc có nên truyền dịch cho trẻ khi bị sốt? Cũng có nhiều người cho rằng, truyền dịch sẽ tăng sức đề kháng tức thời cho trẻ, đẩy lùi nhanh cơn sốt. Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy. Trẻ bị sốt, không đơn giản là chỉ do virus cúm gây ra mà còn có thể là biểu hiện của tình trạng bệnh lý khác mà cơ chế truyền dịch của những bệnh này lại khác nhau. Chính vì vậy, cha mẹ nên thận trọng trong quyết định có truyền dịch cho trẻ hay không.

Khi virus xâm nhập vào cơ thể, cơ thể sẽ tự sản sinh ra chất kháng lại chúng. Do đó, khi trẻ bị cảm, sốt thì việc quan trọng nhất cần làm là nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Hãy cho trẻ nghỉ ngơi, ăn uống tốt, bổ sung vitamin C và uống thuốc hạ sốt theo cân nặng. Sau vài ngày, sức đề kháng mạnh lên sẽ loại bỏ virus ra khỏi cơ thể trẻ mà không cần đến truyền dịch.

Trong trường hợp trẻ bị mất nước, tốt nhất là nên bổ sung muối khoáng cho trẻ qua đường uống, chỉ khi bất đắc dĩ mới phải truyền dịch. Các bậc cha mẹ cần lưu ý một nguyên tắc khi truyền dịch cho trẻ bị sốt là không được truyền muối, đường vì những chất này đi vào cơ thể sẽ làm tăng áp lực lên sọ, tăng phù não khiến bệnh nặng thêm. Đặc biệt là với bệnh nhi viêm phổi, đa phần không được truyền dịch vì dịch truyền sẽ làm tăng gánh nặng cho phổi, tim.

Quang Minh

Theo tạp chí Sống Khỏe

Đầu trang
giá dịch vụ kế toán