Chế độ ăn uống phù hợp với người bị bệnh dạ dày
8:00 AM | 08/10/2019
Khuẩn H. pylori là nguyên nhân gây ra viêm loét dạ dày với triệu chứng thường gặp là: khó tiêu, đau bụng, nôn, ợ hơi, sụt cân… Việc điều trị căn bệnh này không chỉ xoay quanh thuốc men, lối sống lành mạnh mà còn nằm phần lớn ở chế độ ăn uống phù hợp với người bị bệnh dạ dày.
- Hiểu rõ hơn 7 điều về bệnh loét dạ dày
- Loét dạ dày vì thuốc trị viêm khớp
- “Say no” 10 thực phẩm cực hại dạ dày khi bụng đói
- Phát hiện UNG THƯ DẠ DÀY từ sớm bằng những dấu hiệu sau
- ĐAU DẠ DÀY- bệnh thường gặp ở những người có lối sống không lành mạnh
1. Thực phẩm giàu flavonoid
Theo nhiều nghiên cứu, để khắc chế sự phát triển của khuẩn H. pylori gây viêm dạ dày, những thực phẩm giàu flavonoid có tác dụng chống oxy hóa và kháng khuẩn mạnh chính là lựa chọn vô cùng tốt.
Những thực phẩm chứa nhiều flavonoid gồm: cam, việt quất, hành tây, táo, cần tây, anh đào, việt quất...
Với tác dụng chống oxy hóa và kháng khuẩn mạnh, thực phẩm giàu flavonoid giúp người bị bệnh dạ dày cảm thấy khỏe hơn.
2. Thực phẩm giàu chất xơ
Chất xơ trong thực phẩm có thể đẩy nhanh quá trình làm lành vết loét dạ dày cũ, giảm sự xuất hiện của các vết loét mới đồng thời cải thiện tiêu hóa.
Những thực phẩm chứa nhiều chất xơ gồm: mâm xôi, táo, lê, dâu tây, atisô, đậu Hà Lan, đậu khô nấu chín, củ cải xanh, lúa mạch, lúa mì, gạo nâu, cải xanh, ngũ cốc nguyên hạt, yến mạch, đậu lăng, đậu Hà Lan…
Riêng cải xanh còn chứa isothiocyanate sulforaphane, một hợp chất cũng có khả năng ức chế mạnh mẽ sự phát triển của vi khuẩn H. pylori.
3. Thực phẩm kháng khuẩn
Đúng như tên gọi, các thực phẩm thuộc nhóm kháng khuẩn cũng có khả năng tiêu diệt khuẩn gây hại H. pylori. Hơn thế, chúng còn bôi trơn cho quá trình tiêu hóa, làm giảm gánh nặng cho dạ dày. Đứng đầu trong danh sách các thực phẩm kháng khuẩn chính là tỏi và gừng.
Tỏi giàu allicin có tác dụng ức chế khuẩn H. pylori và ajoene có khả năng phá hủy “màng sinh học” của vi khuẩn khiến vi khuẩn không thể bám vào mô ở người và sinh sôi, gián tiếp củng cố hệ miễn dịch cơ thể thêm vững vàng.
Gừng được biết đến là một loại thực phẩm có tác dụng chữa trị rất tốt đối với các bệnh về dạ dày. Cụ thể, gừng giúp kháng khuẩn, bảo vệ dịch nhầy dạ dày, giảm viêm, đồng thời ức chế sự phát triển của khuẩn H. pylori.
Tỏi và gừng là hai loại thực phẩm không chỉ giúp ức chế khuẩn H. pylori mà còn hỗ trợ củng cố hệ miễn dịch cho người bệnh.
4. Thực phẩm lên men
Probiotics có trong thực phẩm lên men mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Chúng làm tăng các lợi khuẩn trong đường ruột, ngăn chặn sự nhiễm trùng do vi khuẩn H. pylori gây ra, giúp cơ thể củng cố khả năng miễn dịch và điều trị viêm loét dạ dày hiệu quả.
Những thực phẩm thuộc nhóm lên men gồm: sữa chua, súp miso, các chế phẩm từ đậu nành, dưa chua...
5. Thực phẩm chứa chất béo
Điển hình như dầu olive, nấu ăn với dầu olive giúp điều trị loét dạ dày hiệu quả. Bởi trong dầu olive có chứa hợp chất phenol có thể tồn tại một thời gian dài trong dạ dày thực hiện nhiệm vụ kháng khuẩn, ngăn chặn khuẩn H. pylori lan rộng gây bệnh dạ dày.
Các chất béo lành mạnh khác dễ tiêu hóa bao gồm dừa, bơ, bơ từ sữa bò chăn nuôi hữu cơ,…
6. Thực phẩm chứa protein lành mạnh
Các protein lành mạnh có thể giúp sửa chữa thành ruột và điều trị các vấn đề tiêu hóa như hội chứng ruột bị rò rỉ gây viêm. Ví dụ cá hồi hoặc cá mòi là nguồn thực phẩm giàu omega-3 có tác dụng chống viêm, đặc biệt hữu ích với người bị viêm loét dạ dày.
Các nguồn protein sạch đến từ thịt động vật ăn cỏ, cá được đánh bắt tự nhiên hoặc gia cầm chăn nuôi.
Chế độ ăn giàu protein sẽ giúp sửa chữa thành ruột và điều trị hiệu quả chứng viêm loét dạ dày.
7. Vị thuốc dân gian
Cam thảo là một vị thuốc dân gian được sử dụng nhiều trong điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa như viêm, loét và trào ngược dạ dày.
Rễ cam thảo chứa một hợp chất đặc biệt gọi là glycyrrhizic có tác dụng làm dịu dạ dày và tăng cường tiêu hóa. Ngoài ra, hợp chất này còn có tính kháng viêm, chống đái tháo đường, chống oxy hóa, kháng khuẩn…
Liều dùng cam thảo được khuyến cáo nằm khoảng 3 gram mỗi ngày trong khoảng 4-6 tuần. Tuy nhiên, để đảm bảo thì bạn hãy gặp bác sĩ để được tư vấn về liều dùng phù hợp với thể trạng của mình.
Thì là, hồi cũng là những vị thuốc dân gian tốt cho người bị bệnh dạ dày.
Một số lưu ý khi chế biến thực phẩm cho người có bệnh dạ dày
- Nên thái nhỏ, nghiền nát hoặc xay nguyên liệu ra để giúp dạ dày người bệnh giảm kích thích bài tiết dịch vị và giúp thức ăn được dạ dày tiêu hóa nhanh chóng.
- Nhiệt độ thức ăn nên ở mức âm ấm bởi thức ăn lạnh sẽ khiến dạ dày người bệnh co bóp mạnh hơn trong khi thức ăn nóng lại làm cho niêm mạc họ bị xung huyết và co bóp.
- Thức ăn không nên đặc quá khiến các men tiêu hóa khó thấm hay lỏng quá khiến men tiêu hóa bị loãng. Cả hai trường hợp này đều tác động làm dạ dày người bệnh tiêu hóa kém.
Thiết lập chế độ ăn uống phù hợp với người bị bệnh dạ dày là một trong những phương pháp hiệu quả giúp họ cảm thấy dễ chịu hơn khi ăn uống. Bằng cách chọn lọc những nhóm thực phẩm tốt cho dạ dày như bài viết đã chia sẻ, bạn còn giúp dạ dày của người bệnh nhanh chóng được chữa lành.
Như Hảo
Theo tạp chí Sống khỏe
Nhiều vấn đề về sức khỏe nảy sinh từ cuộc sống thường ngày. Tìm hiểu ngay để tìm hiểu rõ nguyên nhân và cách phòng bệnh
Tìm hiểu ngay