Bé trai bị liệt mặt, méo miệng sau khi ngủ dậy do thói quen nằm điều hòa sai cách
12:00 AM | 20/07/2019
Khi vừa ngủ dậy, cha mẹ phát hiện con trai 8 tuổi bị lệch một bên mặt, một bên mắt không thể khép kín. Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này nhưng 75% là do bị lạnh đột ngột làm ảnh hưởng tới dây thần kinh số 7 ngoại biên.
- Trẻ ốm vì mồ hôi 'trộm'
- 20 cách HẠ SỐT cho trẻ hiệu quả không cần dùng thuốc
- Những điều chưa biết hết về bệnh còi xương ở trẻ
- Trẻ bị cúm hoặc ho có nên đi tiêm phòng không?
- Tuyệt chiêu để trẻ nhỏ luôn hào hứng với những món ăn từ cá
Mới đây, một bé trai 8 tuổi trú tại huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) được bố mẹ đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) với biểu hiện bé bị lệch mặt, méo miệng, mắt phải nhắm không kín, khi ăn vướng đồ ăn trong khoang má phải.
Theo lời kể của mẹ bệnh nhi, buổi tối trước khi đi ngủ, bé vẫn ăn uống, vui chơi bình thường. Tuy nhiên, sáng ngủ dậy thì đã thấy những biểu hiện khác thường trên.
Tại bệnh viện, qua thăm khám, các bác sỹ chẩn đoán bé bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên phải, cần phải nhập viện điều trị.
Sau 15 ngày điều trị, tình trạng liệt của bệnh nhi giảm rõ, bé đã có thể nhắm kín mắt phải, miệng hết méo, thổi sáo được, ăn không vướng bên má, ngậm nước xúc miệng nước không rớt ra ngoài và được xuất viện.
Bé trai bị liệt mặt, méo miệng do nằm điều hòa quá lạnh. |
Theo các bác sĩ, đối với trẻ em bị liệt mặt , méo miệng, nguyên nhân thường là do bị lạnh. Vào mùa hè, các trường hợp trẻ bị liệt mặt thường do các gia đình sử dụng điều hoà khi ngủ quá lạnh.
Những nguyên tắc cho trẻ nằm phòng điều hòa cha mẹ cần tuyệt đối tuân thủ
- Duy trì nhiệt độ thích hợp
Trẻ em không có cơ chế điều tiết thân nhiệt tốt như người lớn. Điều này làm cho bé dễ mắc bệnh rôm sảy, mất nước hoặc say nắng khi phải ở trong môi trường có nhiệt độ cao, nóng bức.
Nhiệt độ hợp lý nhất cho trẻ nên duy trì ở mức 23 - 27 độ C. Phòng có nhiệt độ thích hợp và thoáng khí giúp bé ngủ ngon và làm giảm nguy cơ bị hội chứng đột tử trẻ nhũ nhi SIDS (hiện tượng trẻ từ 1 đến 12 tháng tuổi tử vong đột ngột không rõ nguyên nhân).
- Không để điều hòa thốc thẳng vào trẻ
Hãy để trẻ nằm ngủ xa luồng gió lạnh thốc ra từ điều hòa. Mặc quần áo thoải mái cho trẻ nhưng nên là quần dài, áo dài để không khí lạnh không xâm nhập vào cơ thể trẻ. Với trẻ sơ sinh, nên đeo tất chân, tay, mũ chụp đầu, chọn loại vải thoáng mát dành cho mùa hè.
Khi trẻ ngủ, có thể đắp một lớp chăn mỏng đến ngang khửu tay trẻ, tránh đắp lên tận mặt.
- Tránh sự thay đổi đột ngột
Khi bé đang ở ngoài nắng về, mồ hôi ra nhiều, tuyệt đối không cho bé vào phòng có nhiệt độ quá lạnh ngay. Cha mẹ nên lau khô mồ hôi cho bé, để bé ngồi 1 lúc sau đó mới cho bé vào phòng có điều hòa.
Khi muốn cho con ra ngoài, cha mẹ nên tắt điều hòa, mở cửa phòng 1 lúc cho bé dần thích nghi với nhiệt độ bên ngoài. Sau đó mới cho bé ra khỏi phòng.
Trong những ngày thời tiết nắng nóng, nên hạn chế cho bé ra vào phòng có điều hòa liên tục để tránh hiện tượng thay đổi nhiệt độ đột ngột.
- Cho trẻ uống nhiều nước
Việc đáng lo ngại nhất của trẻ khi nằm phòng điều hòa là bị mất nước. Mất nước không những khiến cơ thể suy nhược, dễ bị ốm mà còn khiến con hay gặp táo bón do phân cứng khó tiêu. Vì thế, nên bổ sung cho bé thật nhiều nước khi con nằm điều hòa. Cho dù đó là nước lọc, sữa mẹ, sữa công thức, nước trái cây hay canh súp…thì đều có công dụng bù nước cho cơ thể trẻ.
Ngoài ra mẹ còn cần lưu ý thêm một nguyên tắc nhỏ trong chế độ ăn uống của trẻ, đó là nên ăn nhiều rau quả, trái cây hơn một chút.
- Không bật điều hòa 24/24
Bật điều hòa cả ngày sẽ khiến không khí tù đọng, không tốt cho sức khỏe và hệ hô hấp của trẻ. Mỗi ngày, ít nhất mẹ phải 2 lần tắt điều hòa, mở hết các cửa, dùng quạt đuổi hết không khí tù đọng ra ngoài, đồng thời kết hợp đón ánh nắng vào phòng càng nhiều càng tốt.
Tuyệt đối không để trẻ ở trong phòng điều hòa quá 3 giờ liên tục. Khoảng 2-3 giờ, nên cho trẻ ra ngoài nhiệt độ bình thường từ 10 – 15 phút. Mỗi khi ra ngoài cho trẻ ra ngoài, cần mở rộng cửa trước và cho trẻ đứng lại trong phòng 3-5 phút để cơ thể kịp thích ứng với môi trường xung quanh.
Mặt khác, khi bé ở ngoài về, ra nhiều mồ hôi, mẹ cũng nên lau mồ hôi cho con và để con ngồi nghỉ ít nhất 3 phút ở nhiệt độ phòng bình thường, tránh cho bé vào ngay phòng điều hòa gió lạnh, nhiệt độ thấp đột ngột … vì như thế trẻ dễ bị sốc nhiệt, dễ bị ốm.
- Vệ sinh sạch nhà cửa, máy lạnh
Để ý thời gian bảo dưỡng để đảm bảo điều hòa luôn sạch sẽ và chạy đúng công suất. Thường xuyên lau dọn phòng sạch sẽ để tránh vi khuẩn xâm nhập.
Nằm điều hòa nhiều có thể khiến trẻ bị khô da, mẹ cần để ý điều này. Có thể dùng nước muối sinh lý để nhỏ vào mũi trẻ để trẻ đỡ khó chịu khi mũi bị khô. Tuy nhiên, cần hỏi ý kiến bác sĩ xem dung dịch nhỏ đó có phù hợp với tuổi của trẻ hay không.
Hoặc có thể đặt một bát nước ở trong phòng. Nước sẽ cung cấp độ ẩm vừa phải cho căn phòng để không bị khô.
Quỳnh Hoa
Theo Tạp chí Sống khỏe
Nhiều vấn đề về sức khỏe nảy sinh từ cuộc sống thường ngày. Tìm hiểu ngay để tìm hiểu rõ nguyên nhân và cách phòng bệnh
Tìm hiểu ngay