Chuyên trang cập nhập những thông tin mới nhất về sức khỏe

9 tác nhân gây ra viêm đại tràng bạn không nên bỏ qua

8:00 AM | 06/03/2020

Viêm đại tràng là bệnh thường gặp về hệ tiêu hóa, theo thống kê ở Việt Nam cứ 3 người lại có 1 người gặp vấn đề về đại tràng, nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

Sau đây là một số nguyên nhân gây ra bệnh viêm đại tràng mà bạn cần biết để từ đó có cách phòng ngừa căn bệnh này:

1. Di truyền

Họ hàng gần (cha mẹ, anh chị em ruột hoặc con) của bệnh nhân cũng có khả năng mắc bệnh, đặc biệt nếu người đó phát bệnh lúc trẻ. Ngoài ra, nếu gia đình có nhiều người bị ung thư đại tràng thì nguy cơ mắc bệnh tăng cao hơn.

2. Ăn uống không hợp vệ sinh

9 tac nhan gay ra viem dai trang ban khong nen bo qua

Đồ ăn hàng quán không hợp vệ sinh là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh viêm đại tràng.

Ăn phải thực phẩm bẩn, thức ăn khó tiêu, ôi thiu sẽ gây tổn thương cho niêm mạc đại tràng, nhiễm khuẩn gây hội chứng lỵ, các loại giun sống ký sinh ở đại tràng… dẫn đến bệnh nhiễm khuẩn đường ruột cấp, thương hàn, lị trực khuẩn, lị amip và các nhiễm trùng khác.

3. Do nhiễm trùng

Virus và vi khuẩn là nguyên nhân gây ra tình trạng nhiễm trùng ruột. Phần lớn chúng xâm nhập vào cơ thể do ngộ độc thức ăn. Các vi khuẩn gây bệnh thường gặp bao gồm: Shigella, E.coli, Salmonella và Campylobacter.

Kí sinh trùng như Giardia cũng có thể gây tiêu chảy nặng. Chúng thường xâm nhập vào cơ thể khi uống phải nguồn nước bị nhiễm như nước sông, hồ, bể bơi, nước giếng,..

Một tình trạng khác của viêm đại tràng do nhiễm trùng là viêm đại tràng giả mạc. Thủ phạm chính là vi khuẩn Clostridium difficile (C.difficile). Rối loạn này do nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng chủ yếu thường gặp ở những bệnh nhân đang hoặc đã sử dụng kháng sinh trong thời gian gần đó hoặc những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch không rõ nguyên nhân. Vi khuẩn này giải phóng độc tố gây ra đau bụng dữ dội, tiêu chảy và sốt.

4. Do lao phổi

9 tac nhan gay ra viem dai trang ban khong nen bo qua

Lao phổi cũng khiến bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh viêm đại tràng cao hơn những người khác.

Bệnh thường thứ phát sau lao phổi, cũng có trường hợp gặp lao ruột nguyên phát do bệnh nhân bị nhiễm khuẩn lao qua đường ăn uống.

Bệnh có những triệu chứng nhiễm lao như sốt nhẹ về chiều, mệt mỏi, biếng ăn, sức khỏe suy sụp, rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy kéo dài, phân có đờm nhớt và có máu). Bệnh nếu để tiếp diễn có thể gây tắc ruột và lao màng bụng.

5. Do amip (lị amip)

Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, kén amip lẫn trong thức ăn và đi vào dạ dày, qua các đoạn ruột non, cuối hỗng tràng vào đại tràng. Amip rất nguy hiểm vì chúng có thể gây ra tổn thương viêm loét ở manh tràng, đại tràng và trực tràng. Triệu chứng thường gặp là phân nhày có lẫn máu kèm theo cảm giác mót rặn, bụng đau từng cơn. Bệnh kéo dài và rất hay tái phát.

6. Do thiếu máu cục bộ ở đại tràng

Cũng như các cơ quan khác trong cơ thể, đại tràng được nuôi dưỡng bởi máu do các động mạch cung cấp. Và các động mạch này cũng có nguy cơ trở nên hẹp do sơ vữa, dẫn tới đại tràng bị thiếu máu để hoạt động và trở nên viêm.

Thiếu máu cục bộ ở đại tràng cũng có thể xảy ra vì những lý do cơ học như xoắn ruột (là một sự tắc nghẽn do xoắn quai ruột) hoặc thoát vị bẹn (một phần của đại tràng bị kẹt bên trong một điểm yếu của thành bụng và đoạn này có thể bị thiếu máu), hoặc thậm chí là do huyết áp giảm.

7. Do nhiễm hóa chất

Một số hóa chất độc hại khi ngấm vào đại tràng có thể gây ra viêm nhiễm và tổn thương. Ví dụ như biến chứng của thuốc xổ làm viêm niêm mạc đại tràng.

8. Do bệnh crohn

Bệnh này thường không rõ nguyên nhân, xảy ra ở cả ruột non và ruột già, diễn biến mạn tính đi cùng các các triệu chứng tiêu chảy, đau bụng, sốt, đau hố chậu phải, dễ chẩn đoán nhầm với viêm ruột thừa. Bệnh gây ra những tổn thương co thắt, phù nề và xơ hóa gây hẹp lòng ruột dẫn đến tắc ruột, rò ruột, áp-xe và rò cạnh hậu môn.

9. Nguyên nhân khác

Ngoài ra, còn gặp một số trường hợp đặc biệt như viêm đại tràng trên bệnh nhân AIDS, do Chlamydia, lậu herpes simplex virut, viêm đại tràng sau xạ trị vùng bụng và chậu, nguyên nhân bệnh tự miễn (viêm đại tràng , loét không đặc hiệu), rối loạn thần kinh thực vật...

***

Một số lưu ý trong ăn uống mà bệnh nhân viêm đại tràng cần lưu ý:

- Ăn uống hợp vệ sinh, ăn chín, uống sôi, không ăn thức ăn đã bị ôi thiu, tanh sống.

9 tac nhan gay ra viem dai trang ban khong nen bo qua

Những người bị viêm đại tràng nên tránh ăn các loại thực phẩm tanh sống.

- Hạn chế các sản phẩm từ sữa, thực phẩm có nhiều lactose như quả ngọt, mật ong và các chất kích thích.

- Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, tránh ăn quá no

- Uống nhiều chất lỏng (1,5-2 lít/ ngày) để đủ lượng nước cho cơ thể hoạt động và ngăn ngừa táo bón,đồng thời tránh khả năng mất nước do đi lỏng.

- Khi đi ngoài bị lỏng thì không nên ăn rau sống, hoặc các loại có chất xơ dạng không tan, khi ăn trái cây thì cần gọt vỏ (kể cả nho), không ăn chuối, nhất là chuối tiêu, không ăn các loại quả đóng hộp, trái cây khô.

- Khi bị táo bón thì bệnh nhân nên ăn những thức ăn có bổ sung nhiều chất xơ chứa trong các loại hoa quả và rau xanh.

- Tránh các thuốc kháng viêm, giảm đau không steroid vì chúng có thể “ăn mòn” niêm mạc dạ dày, ruột, làm tăng nguy cơ xuất huyết.

- Nên bổ sung đa sinh tố khoáng chất hàng ngày để thay thế các chất dinh dưỡng bị mất, đồng thời đảm bảo chế độ ăn luôn bổ sung đủ canxi và vitamin D để chống loãng xương, ăn nhiều thức ăn chứa nhiều sắt và folat.

Ngân Trần

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Đầu trang
dịch vụ kế toán trọn gói