8 lời khuyên giúp sống lâu cho người bệnh cao huyết áp
10:16 AM | 26/11/2018
Bệnh cao huyết áp là một trong 10 bệnh nguy hiểm, gây nên những biến chứng tim mạch. Để sống khỏe hơn, người bệnh cao huyết áp cần chú ý những gì?
Hầu hết những người bị tăng huyết áp không có biểu hiện triệu chứng nào cả và thậm chí họ còn không biết mình bị bệnh, vì vậy tăng huyết áp được gọi là "Kẻ giết người thầm lặng”.
Khi nào được gọi là tăng huyết áp?
Huyết áp là áp lực máu cần thiết tác động lên thành động mạch để đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Bình thường huyết áp tối đa dao động từ 90-139mmHg và số đo huyết áp tối thiểu bình thường từ 60- 89mmHg.
Huyết áp được gọi là tăng khi huyết áp tâm thu >140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương >90mmHg sau khi đo lặp đi lặp lại nhiều lần và đúng cách. Dưới 40 tuổi, huyết áp 145/80; dưới 50 tuổi, huyết áp 150/80; dưới 60 tuổi huyết áp 160/90 và trên 60 tuổi huyết áp 165/95 được coi là có khuynh hướng tăng huyết áp.
Bệnh cao huyết áp không phải là một bệnh xa lạ với người dân Việt Nam. Theo thống kê, có tới 13 triệu người dân bị mắc bệnh cao huyết áp. Để duy trì tuổi thọ lâu hơn, tránh nguy cơ tai biến mạch máu não cũng như biến chứng nguy hiểm.
Người bị bệnh cao huyết áp cần tự bảo vệ chính mình bằng các biện pháp nào?
Huyết áp cao có nguyên nhân từ dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, hút thuốc và lạm dụng rượu, bia. Theo kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2015, có 45% nam giới hút thuốc; 77% nam giới uống rượu, bia và gần một nửa uống ở mức nguy hại; hơn một nửa dân số ăn thiếu rau/tráỉ cây; người dân ăn muối nhiều gấp hai lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới và có khoảng 1/3 người trưởng thành thiếu hoạt động thể lực. Đây là những yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp hoặc làm cho bệnh tiến triển nặng gây biến chứng tim mạch, đột quỵ...
Dưới đây là 8 cách bảo vệ cho người bệnh huyết áp cao:
1. Tự đo huyết áp tại nhà
Tự đo huyết áp để kiểm soát huyết áp |
Nhiều người huyết áp cao có tâm lý lo ngại khi đến bệnh viện, đến khi có vấn đề về huyết áp tăng cao, người bệnh mới đến thăm khám tại các cơ sở y tế. Vậy nên, để chủ động kiểm soát số đo huyết áp, người bệnh nên tự đo ở nhà hàng ngày.
Để đo chỉ số huyết áp, bạn nên có dụng cụ đo huyết áp tại nhà. Bạn luôn luôn nắm rõ chỉ số huyết áp của bản thân. Thời điểm lý tưởng nhất để kiểm tra huyết áp là vào buổi sáng ngay sau khi thức dậy.
2. Hạn chế uống rượu bia
Rượu bia không tốt cho người bệnh cao huyết áp |
Người mắc bệnh huyết áp cao nhất thiết phải hạn chế sử dụng rượu, bia và các chất chứa cồn. Cồn sẽ làm tăng kích thích thần kinh, làm tim hoạt động mạnh hơn, gây nên tăng huyết áp. Nếu tình huống bắt buộc, không thể từ chối, bạn không uống nhiều hơn 3 ly rượu nhỏ mỗi ngày đối với đàn ông và 2 ly đối với phụ nữ.
3. Luôn kiểm soát cân nặng
Thừa cân là nguyên nhân gây ảnh hưởng không tốt trực tiếp đến tim và huyết áp. Khi cân nặng của bạn vượt quá trọng lượng cho phép, nhất là khi béo phì, chứng cao huyết áp sẽ càng dễ xuất hiện.
Vì vậy, khi bạn có dấu hiệu dễ thừa cân, béo phì, tăng cân đột ngột, bạn nên nhanh chóng tập luyện thể dục thể thao, cân bằng lại chế độ ăn uống để hạ cân nặng về mức cho phép.
4. Cảnh giác với muối ăn
Cảnh giác với muối ăn |
Ăn quá mặn được coi như kẻ thù của bệnh cao huyết áp. Một người mắc bệnh huyết áp cao không nên sử dụng quá 6g muối mỗi ngày. Vì thế, khi nấu ăn cho người bệnh, cần nêm nhạt phù hợp.
Khi ăn, tránh để lọ muối ăn và gia vị trên bàn ăn gần phía người bệnh để giảm khả năng họ nêm thêm gia vị. Ngoài ra, người cao huyết áp cũng không nên ăn đồ ăn được chế biến sẵn như thịt hộp, thịt xông khói, đồ ăn nhanh... vì chúng chứa rất nhiều muối natri không tốt cho sức khoẻ.
5. Hạn chế ăn thịt
Khi bị huyết áp cao, do bạn phải hạn chế chất béo bão hòa, tốt nhất là bạn nên chọn những loại thịt càng nạc càng tốt. Bạn nên ăn các loại thịt cá, thịt gia cầm (nhớ bỏ da nhé), và hạn chế thịt bò, thịt lợn và thịt cừu.
6. Ăn nhiều rau, trái cây
Người cao huyết áp nên ăn nhiều rau và trái cây |
Rau xanh, trái cây rất tốt cho sức khỏe mỗi người, và người bị cao huyết áp càng nên sử dụng nhiều rau xanh, trái cây trong bữa ăn hàng ngày. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu bạn có khẩu phần ăn chứa càng nhiều kali thì huyết áp của bạn càng thấp. Chính vì vậy, các chuyên gia sức khỏe khuyên rằng: nên sử dụng nhiều rau quả chứa hàm lượng lớn kali sẽ rất tốt cho huyết áp cũng như sức khỏe của người bệnh.
7. Ưu tiên các đồ ăn ít chất béo
Không nên sử dụng thực phẩm chứa nhiều chất béo, người bị cao huyết áp càng nên sử dụng đồ ăn càng ít chất béo càng tốt. Chẳng hạn như sữa chua không đường, bánh ít kem…
8. Ăn các loại ngũ cốc nguyên vỏ
Để đảm bảo nhu cầu tinh bột của cơ thể, người bị huyết áp cao nên ăn các loại ngũ cốc toàn phần như ăn đỗ cả vỏ. Vì vỏ đỗ chứa một hàm lượng chất xơ đáng kể, rất tốt cho sức khỏe người bệnh.
Bệnh cao huyết áp sẽ không phải gặp nhiều nguy cơ nguy hiểm nếu như người bệnh biết cân bằng việc ăn uống và luyện tập, cũng như tự biết chăm sóc bản thân. Những lời khuyên trên hi vọng có ích cho bạn và những người thân khi không may mắc phải căn bệnh nguy hiểm này.
Để phòng chống nguy cơ tăng huyết áp, Bộ Y tế khuyến cáo: 1. Có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, kiểm soát cân nặng của mình. 2. Tăng cường ăn rau và trái cây. 3. Giảm ăn muối xuống dưới 5g/ngày. 4. Tích cực vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày. 5. Không hút thuốc, hạn chế rượu, bia. 6. Đo huyết áp thường xuyên là biện pháp đơn giản và quan trọng nhất để phát hiện sớm tăng huyết áp, đặc biệt đối với người trên 40 tuổi. Mỗi người hãy nhớ số đo huyết áp của mình. 7. Người bị tăng huyết áp nên tuân thủ việc dùng thuốc và thực hiện đầy đủ chế độ dinh dưỡng, vận động theo lời khuyên của thầy thuốc. |
Bình Nguyên
Tạp chí Sống Khỏe
Nhiều vấn đề về sức khỏe nảy sinh từ cuộc sống thường ngày. Tìm hiểu ngay để tìm hiểu rõ nguyên nhân và cách phòng bệnh
Tìm hiểu ngay