Chuyên trang cập nhập những thông tin mới nhất về sức khỏe

  • BKSK»
  • Sức khỏe A-Z »
  • Lưu ý khi điều trị bệnh dạ dày ở trẻ em nhiễm khuẩn Hp

Lưu ý khi điều trị bệnh dạ dày ở trẻ em nhiễm khuẩn Hp

10:54 AM | 04/11/2015

Thời gian gần đây, các bệnh viện nhi ngày càng tiếp nhận nhiều ca trẻ em bị viêm loét dạ dày tá tràng do vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp) gây ra.

Loại vi khuẩn này thường ít gây bệnh ở trẻ em, tuy nhiên, khi gây bệnh thì việc điều trị phức tạp hơn người lớn với tỷ lệ đề kháng kháng sinh và tỷ lệ bị tái nhiễm sau điều trị rất cao. Chính vì vậy, mỗi bậc phụ huynh nên trang bị những kiến thức cần thiết để phối hợp điều trị tốt với thầy thuốc.

Phạm vi bài này không bàn đến các phác đồ điều trị như thế nào, thuốc sử dụng là gì mà chủ yếu nói về những điều phụ huynh cần biết để cùng phối hợp với thầy thuốc điều trị Hp cho trẻ được an toàn và hiệu quả.

Vì sao cần phải dùng nhiều loại thuốc phối hợp?

Dạ dày là một “hồ axit” rất khắc nghiệt, tiêu hủy hầu hết các loại vi sinh vật đi qua, nhưng Hp lại “sống khỏe” trong dạ dày bằng những cơ chế bảo vệ rất riêng của nó, điều đó cho thấy việc tiêu diệt Hp không phải dễ dàng. Các nghiên cứu cho thấy để tiệt trừ được Hp được hiệu quả, phải dùng ít nhất 2 loại kháng sinh phối hợp cộng với 1 loại thuốc ức chế axit dạ dày. Do đó phụ huynh thường thấy trẻ được điều trị với ít nhất 3 loại thuốc. Các loại thuốc này phối hợp với nhau rất nhịp nhàng, thuốc này “dọn đường” cho thuốc kia, cùng tiêu diệt Hp.

Vì sao thuốc điều trị cho mỗi bé không giống nhau?

Do dạng bệnh của mỗi trẻ khác nhau nên việc phối hợp thuốc cho từng trường hợp cũng rất chuyên biệt và phải được tính toán kỹ lưỡng. Các phác đồ tạm được chia thành 3 nhóm: phác đồ đầu tay (dùng cho trẻ điều trị lần đầu), phác đồ kế tiếp (dùng cho trẻ thất bại với điều trị lần đầu) và phác đồ “cứu hộ” dành cho các trường hợp điều trị thất bại các phác đồ trước. Ngoài ra, các bác sĩ còn phải tính đến trẻ đã được điều trị ở đâu chưa, đã sử dụng thuốc gì, trẻ có dị ứng với kháng sinh không, dự đoán trẻ uống thuốc dễ hay khó, hoặc có bằng chứng Hp kháng với loại kháng sinh nào chưa để tính toán việc phối hợp thuốc.

Vì sao có loại uống trước ăn, có loại sau ăn?

Thuốc tiệt trừ Hp gồm kháng sinh và thuốc ức chế axit dạ dày. Thuốc ức chế axit sẽ giúp kháng sinh phát huy tối đa hiệu quả đồng thời làm giảm các triệu chứng đau bụng, giúp làm lành vết loét. Thuốc này phải được uống trước khi ăn 30-60 phút (thường là ăn sáng). Sau đó, kháng sinh sẽ được uống sau khi ăn tấn công vào Hp. Nếu tất cả cùng uống trước hoặc sau khi ăn thì hiệu quả sẽ giảm đi nhiều. Do đó, việc tuân thủ về thời điểm sử dụng thuốc là vô cùng quan trọng trong tiệt trừ HP.

Thời gian điều trị kéo dài bao lâu?

Mỗi phác đồ sẽ có thời gian điều trị khác nhau, nhưng nhìn chung được chia làm 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (gọi là tấn công): thường sử dụng cả 3 hoặc 4 loại thuốc tùy phác đồ và kéo dài 10-14 ngày. Giai đoạn này phải uống thuốc chia làm 2 lần mỗi ngày.

Giai đoạn 2 (gọi là củng cố): chỉ còn sử dụng thuốc ức chế dạ dày và dồn lên uống 1 lần (thường là buổi sáng, trước ăn sáng 30 phút). Giai đoạn này kéo dài 2 tuần hoặc hơn tùy vào đánh giá của bác sĩ.

Giai đoạn 3: ngưng luôn thuốc ức chế axit, lúc này không uống thuốc gì cả hoặc chỉ dùng các thuốc hỗ trợ nếu có. Giai đoạn này nên kéo dài ít nhất là 4 tuần. Sau đó sẽ test lại xem Hp hết chưa và 2 phương pháp thường được sử dụng ở trẻ em ở thời điểm này là test hơi thở hoặc test kháng nguyên trong phân.

Vậy, tổng thời gian điều trị cho một đợt ít nhất là 8 tuần trước khi test lại Hp. Nếu kết quả còn dương tính, bác sĩ có thể sẽ điều trị tiếp với một phác đồ khác với thời gian gần tương tự.

Bé có cần phải nội soi lại không?

Trong phần lớn các trường hợp là không cần nội soi lại. Chỉ những trường hợp điều trị tiệt trừ thất bại, hoặc triệu chứng lâm sàng của trẻ diễn tiến xấu hơn hay những tình huống cụ thể khác, các bác sĩ sẽ quyết định nội soi lại. Việc nội soi lúc này không chỉ xem lại tổn thương ở dạ dày tá tràng ra sao mà còn làm 1 việc quan trọng là lấy mẫu Hp trong dạ dày đi cấy và làm kháng sinh đồ, nếu trước đây chưa được làm. Nói cách khác là tìm hiểu xem vi khuẩn Hp trong dạ dày bé đã kháng với kháng sinh nào để có những phối hợp thuốc hiệu quả hơn. Ngoài ra, những xét nghiệm chuyên sâu như việc xác định đặc điểm di truyền phân tử của Hp cũng giúp bác sĩ có thêm thông tin để phối hợp thuốc và tiên lượng bệnh trong trường hợp cần thiết.

Làm sao để khỏi bị nhiễm lại sau khi đã tiệt trừ Hp?

Một số kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tái nhiễm vi khuẩn Hp sau khi điều trị 1 năm ở Việt Nam lên tới gần 25%. Đây là một tỷ lệ cao, do đó việc có chế độ chăm sóc hợp lý phòng tránh tái nhiễm là hết sức cần thiết. Một số biện pháp vệ sinh phòng tránh tái nhiễm Hp:

• Không dùng đũa của mình gắp từ đĩa thức ăn chung mà phải dùng đũa riêng.

• Vệ sinh răng miệng, nguồn nước sạch sẽ, tránh sống trong môi trường đông đúc.

• Sử dụng các sản phẩm có tác dụng phòng ngừa tái nhiễm vi khuẩn Hp.

Theo Phunuonline

Đầu trang
ke toan tong hop