Chuyên trang cập nhập những thông tin mới nhất về sức khỏe

Đi tiểu đúng cách, phòng trừ bệnh tật

12:00 AM | 24/07/2019

Dù là chuyện bản năng mà ai cũng có thể dễ dàng thực hiện được, thế nhưng, không ít người đã rước bệnh vào thân vì đi tiểu không đúng cách.

Còn nhớ năm trước, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) từng tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân Nguyễn Văn Đ. (45 tuổi, ở Đông Anh) bị vỡ bàng quang do uống nhiều rượu bia. Sau khi uống rượu bia, bệnh nhân đi ngủ, tỉnh dậy thấy đau bụng, kèm theo cảm giác mót tiểu nhưng không đi tiểu được. Siêu âm phát hiện thấy có đường vỡ mặt trên bàng quang gây tràn nước tiểu vào trong ổ bụng. Các bác sĩ đã tiến hành mổ cấp cứu, khâu thành bàng quang vỡ, lau rửa ổ bụng mới cứu sống được bệnh nhân. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do bệnh nhân nhịn tiểu quá lâu nên mới dẫn đến tình trạng nguy kịch này.

Không chỉ gây ra những hậu quả nghiêm trọng như trên, một số thống kê còn cho thấy có đến 20% phụ nữ bị viêm đường tiết niệu mà nguyên nhân thường xuất phát từ việc đi tiểu không đúng cách. Theo BS. Hồ Mai Hoa (Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Hà Nội): “Nhiều chị em đến khám cứ băn khoăn không hiểu sao mình có thể bị viêm đường tiết niệu vì hàng ngày vẫn chăm sóc, bảo vệ “vùng kín” rất đúng cách, quần áo lót cứ thay ra là giặt luôn, không để chồng chất. Đến khi thăm khám, hỏi han đủ kiểu cuối cùng mới “khai ra”: công việc bận quá nên nhiều khi cũng nhịn tiểu. Đặc biệt, nhiều người còn không có thói quen đi tiểu trước và sau khi “lâm trận”. Đây chính là những thói quen xấu khiến bệnh viêm đường tiết niệu hoành hành”.

Di tieu dung cach, phong tru benh tat

Nhịn tiểu lâu ngày có thể gây ra nhiều bệnh. (Ảnh minh họa)

Đi tiểu thế nào cho đúng?

Để có thể đi tiểu đúng cách, theo khuyến cáo của các chuyên gia, bạn cần kết hợp hài hòa giữa phản xạ bản năng tự nhiên và hành động có ý thức. Theo đó, bạn nên chú ý đến các vấn đề sau:

Đi tiểu trước và sau khi quan hệ tình dục

Không chỉ giúp phòng tránh tình trạng buồn tiểu hay són tiểu trong lúc đang “lâm trận”, việc đi tiểu trước khi quan hệ tình dục còn giúp đẩy bớt vi khuẩn sẵn có ra khỏi niệu đạo, do đó hạn chế được nguy cơ viêm nhiễm cho cả hai người.

Tương tự như vậy, sau khi “tan trận”, nếu là phụ nữ, bạn cũng nên tập thói quen đi tiểu ngay bởi niệu đạo phụ nữ tương đối ngắn và thẳng, dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm lấn ngược trở lại.

Tuy nhiên, với nam giới thì ngược lại. Hãy chờ 5-10 phút, khi sự sung huyết ở cơ quan sinh dục đã giảm bớt sau quá trình “lên đỉnh” thì mới nên đi tiểu, nếu không, nó có thể dẫn đến tình trạng trào ngược nước tiểu, lâu ngày dễ dẫn đến viêm tuyến tiền liệt.

Đi tiểu trước và sau khi quan hệ tình dục không phải là một phản xạ bản năng mà do quá trình luyện tập có ý thức. Lúc mới đầu, có thể bạn sẽ chưa thể đi tiểu theo ý muốn được, song theo thời gian, thói quen này sẽ nhanh chóng được hình thành.

Đi tiểu ngay khi cảm thấy buồn

Ở điều kiện bình thường, bàng quang chứa được 250-300ml nước. Khi đó phản ứng tự nhiên của cơ thể là muốn thải nước ra ngoài. Trong nước tiểu có đến hàng trăm loại chất thải khác nhau của cơ thể, nên khi bị ứ đọng, nó sẽ gây sỏi tiết niệu, sỏi bàng quang... Không chỉ vậy, các loại vi khuẩn sẵn có trong nước tiểu cũng sẽ thừa cơ hội này tấn công vào “vùng kín” khiến nhiều người đối mặt với nguy cơ bị viêm đường tiết niệu.

Nhịn tiểu cũng sẽ gây ra tiểu són, tiểu rắt do cơ thể bị mất phản xạ đi tiểu theo đúng chu kỳ. Nếu để lâu ngày, hiện tượng này cũng sẽ ảnh hưởng đến chức năng thận. Xét ở góc độ của bàng quang, khi thường xuyên ở trạng thái căng tràn, nó có thể bị vỡ. Đặc biệt, ở phụ nữ có thai, nhịn tiểu trong thời gian dài có thể gây đẻ non, sảy thai hay nhiễm trùng sơ sinh…

Đi tiểu khoảng 8 lần/ngày

Theo tính toán của các bác sĩ, một người khỏe mạnh sẽ đi tiểu khoảng 8 lần/ngày, mỗi lần khoảng 150-300ml nước với định mức khoảng 1800ml/ ngày.

Nếu bạn đi tiểu dưới số lần này, có nghĩa là bạn đang uống quá ít nước, ăn quá ít rau và các thực phẩm chứa nhiều nước. Đây là lỗi mà dân văn phòng hay mắc phải. Theo điều tra của khoa Niệu -Thận, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, ngồi điều hòa khiến cơ thể không toát mồ hôi và không có cảm giác khát nước, khiến bạn lười uống nước nên ít đi tiểu. Việc tiểu ít sẽ khiến các độc tố trong cơ thể không được thải loại do đó có thể dẫn đến những suy nhược ở thận, bàng quang, niệu đạo...

Những dấu hiệu cảnh báo bạn cần đến gặp bác sĩ ngay:

- Tiểu ra quần, thậm chí chỉ một vài giọt, khi ho, hắt hơi, cười, đứng, nâng vật gì nặng hay chơi thể thao hoặc các hoạt động khác

- Cảm thấy phải đi tiểu gấp, có cảm giác khó có thể nín tiểu, hoặc thường không kịp đến phòng vệ sinh

- Đi tiểu ra rất ít, thường xuyên và đều đặn, tức là hơn 8 lần đi tiểu ra ít nước tiểu (ít hơn một ly trà) trong một ngày

- Phải thức dậy đi tiểu hơn hai lần trong một đêm

- Đái dầm quá năm tuổi

- Đi tiểu khó ra, hoặc dòng nước tiểu chảy lúc mạnh lúc yếu thay vì chảy đều

- Phải rặn tiểu

- Cảm thấy bọng đái vẫn còn nước tiểu khi đã đi tiểu xong

- Có cảm giác bị rát hay đau khi đi tiểu

- Phải từ bỏ những sở thích như đi bộ, thể dục thẩm mỹ hoặc khiêu vũ vì bị khó chủ động đại, tiểu tiện

Bình Nguyên

Theo tạp chí Sống Khỏe

Đầu trang
báo cáo tài chính